Chia sẻ trên Nikkei Asian, Nguyễn Ngọc, một người bán quần áo và bóp da tại TP.HCM cho biết, cách điển hình nhất để tiếp cận khách hàng trực tuyến là thông qua mạng xã hội Facebook. Sau khi lên đơn hàng, nhiều khách yêu cầu chuyển sang chợ trực tuyến Shopee để thanh toán.
Theo Ngọc, đơn giản là vì Shopee nổi tiếng với việc giao hàng miễn phí. "Ngay từ đầu, Shopee đã hướng đến mức phí thấp nên mọi người thường mặc định nó với việc giao hàng miễn phí", Nguyễn Ngọc cho biết thêm.
Đối thủ mới nổi nhưng "đáng gờm": SEA
Giao hàng miễn phí và hoa hồng thấp là một phần trong những nỗ lực tiếp thị tích cực của Shopee tại Việt Nam. Nhờ đó, nó trở thành nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam và càng phát triển hơn nữa qua đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Shopee thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Sea có trụ sở tại Singapore. Chỉ trong quý III năm 2020, nó đã thu hút 62 triệu lượt truy cập hàng tháng tại Việt Nam, tăng hơn 80% so với một năm trước đó.
Các trang web của Lazada đã mất vị trí "được truy cập nhiều nhất" tại nhiều thị trường Đông Nam Á. Ảnh: Reuters |
Sự mở rộng mạnh mẽ của Shopee tại Việt Nam là một phần của giai đoạn phát triển mới trong nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 100 tỷ USD của Đông Nam Á. Trong kỷ nguyên hậu COVID-19, thương mại điện tử sẽ là nền tảng của một loạt các liên minh mới. Do đó, các đối thủ đang chạy đua để xây dựng toàn bộ hệ sinh thái để phục vụ càng nhiều nhu cầu của khách hàng càng tốt.
Điển hình là Grab có trụ sở tại Singapore và Gojek của Indonesia. Sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ này được thúc đẩy bởi các dịch vụ gọi xe.
Giờ đây là sự trỗi dậy của Sea, công ty có giá trị nhất Đông Nam Á, trị giá khoảng 100 tỷ USD. Sea đang kích hoạt các hoạt động hợp tác và mua lại để "vẽ" lại bức tranh kinh tế của khu vực trong năm 2021, khi mà các nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
Được hỗ trợ bởi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trò chơi, Sea đang đầu tư mạnh vào thương mại điện tử và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Trong quý III năm 2020, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử của Sea, bao gồm Việt Nam và các quốc gia khác đã tăng 2,7 lần so với một năm trước đó, lên 618 triệu USD. Trong khi đó, lỗ hoạt động tăng từ 277 triệu USD lên 338 triệu USD, chủ yếu là kết quả của chiến dịch giành thị phần.
Shopee hiện là trang web mua sắm có lượng truy cập nhiều nhất tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Internet |
Và những nỗ lực của Sea dường như đã được đền đáp. Theo dữ liệu từ iPrice Group, Shopee là trang được truy cập nhiều nhất ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trong quý III năm 2020.
Chỉ một năm trước đó, Lazada (thuộc sở hữu của Alibaba Group Holding của Trung Quốc từ năm 2016) là trang đứng đầu ở Philippines, Singapore và Thái Lan. Còn ở Indonesia, trang mua sắm được ghé thăm nhiều nhất là Tokopedia, tập đoàn thương mại điện tử được hỗ trợ bởi tập đoàn SoftBank của Nhật Bản.
Cuộc cạnh tranh giành lấy "miếng bánh" thương mại điện tử
Sự cạnh tranh ngày càng tăng buộc các công ty phải có hướng đi mới. Lazada đã bắt tay với Grab tại Việt Nam, trong khi Grab và Gojek đầu tư mới vào mảng kinh doanh tài chính kỹ thuật số.
Edwin Muljono, một nhà tư vấn tại YCP Solidiance Indonesia cho biết, nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á cho đến năm 2025 "đang trong giai đoạn tăng trưởng của vòng đời ngành, sẽ có nhiều người chơi mới xuất hiện, nhu cầu tăng nhanh với mức độ cạnh tranh tương đối thấp".
Giờ đây, ông cho biết, thị trường đang ở trong một "giai đoạn rung chuyển", điển hình là việc Grab mua lại mảng kinh doanh trong khu vực của Uber vào năm 2018. "Mặc dù tiếp tục tăng trưởng hai con số, thị trường đã bắt đầu trưởng thành và sự hợp nhất dường như đang được tiến hành", Muljono nói.
Năm 2018, Grab đã mua lại toàn bộ Uber Đông Nam Á. Ảnh: Thuận Thắng |
Nhấn mạnh vào sự hợp nhất, Nikkei Asia đề đập đến việc Gojek đang đàm phán sáp nhập với Tokopedia. Nếu việc hợp nhất thành công, đây sẽ là một liên minh tiềm năng, hứa hẹn tạo ra một tập đoàn công nghệ khổng lồ ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trước đó, Gojek cũng đang thảo luận về khả năng sáp nhập với Grab.
Có thể nói, Đông Nam Á là vùng đất "săn kỳ lân". Theo một nghiên cứu của Google, Temasek Holdings và Bain&Company, Grab và Gojek đã trở thành công ty lớn nhất, có giá trị lần lượt là 14 tỷ USD và 10 tỷ USD. Không chỉ vậy, khu vực này còn có 12 công ty khởi nghiệp trị giá trên 1 tỷ USD.
Tại Indonesia, Tokopedia và Bukalapak là hai "kỳ lân" thương mại điện tử đang trao quyền cho hàng triệu thương gia địa phương, bao gồm nhiều cửa hàng mẹ và bé, bán hàng trực tuyến thông qua nền tảng của họ.
Tuy nhiên, điều này đã ít nhiều bị thay đổi bởi đại dịch. Theo đó, dịch vụ gọi xe bị ảnh hưởng nặng nề bởi xu hướng hạn chế đi lại và làm việc tại nhà. Do đó, Grab và Gojek lần lượt cắt giảm 5% và 9% nhân viên vào giữa năm 2020. Ngược lại, nhu cầu về thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm đã tăng vọt. Và điều này có thể sẽ tiếp tục trong thời đại hậu đại dịch.
Phần lớn các nhà đầu tư đều mang tâm lý lo lắng vì đại dịch. Theo dữ liệu do Cento Ventures của Singapore tổng hợp, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đã giảm 13% trong nửa đầu năm 2020 so với một năm trước đó. Đồng thời, việc đi lại hạn chế đã khiến các cuộc họp gây quỹ và thẩm định khó khăn.
Nhưng xu hướng tăng trưởng dự kiến vẫn còn nguyên vẹn. Theo Aadarsh Baijal, một đối tác của Bain&Company, cho rằng: "Triển vọng dài hạn cho nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á vẫn còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Ông cho rằng, các yếu tố như "niềm tin vào công nghệ" và "lực lượng thị trường tạo ra nguồn cung trực tuyến lớn hơn đáng kể" sẽ tạo ra một động lực vĩnh viễn cho nền kinh tế kỹ thuật số.
Sáp nhập và hợp tác trở thành xu hướng
Theo đó, Việt Nam là một ví dụ điển hình của chiến trường mới. Các nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, bao gồm thương mại điện tử, giao hàng thực phẩm và gọi xe, đã đạt 14 tỷ USD vào năm 2020, tăng 16% so với năm trước. Dự kiến vào năm 2025, cón số này sẽ tăng lên 52 tỷ USD, theo báo cáo do Google dẫn đầu.
Việt Nam trở thành chiến trường mới của nền kinh tế kỹ thuật số. Ảnh: The Logical Indian |
Tại Việt Nam, Shopee hiện đang bỏ xa các đối thủ trong nước. Cụ thể là Thế Giới Di Động, công ty có 29 triệu lượt truy cập hàng tháng trong cùng thời gian. Tiếp theo là Tiki với 22 triệu và Lazada với 20 triệu, theo dữ liệu của iPrice.
Ông Tuấn Anh, CEO Shopee tại Việt Nam, nói với Nikkei Asia rằng, Shopee đã thu hút "người dùng vào hệ sinh thái của chúng tôi bằng cách tăng cường tích hợp thanh toán điện tử".
Để cạnh tranh với Shopee, vào tháng 11, Lazada đã bắt tay với Grab tại Việt Nam. Mối quan hệ đối tác này mang đến cho Grab cơ hội để tập trung vào thương mại điện tử.
"Chúng tôi thực sự hy vọng rằng, chúng tôi sẽ có thể đưa tất cả dịch vụ Grab đến với các đối tác thương mại điện tử của mình", Chủ tịch Grab, Ming Maa, cho biết tại một sự kiện khởi nghiệp vào cuối tháng 11.
"Đó không chỉ là giao hàng tận nơi mà chúng tôi còn hy vọng hợp tác với các giải pháp thanh toán, hợp tác với một số dịch vụ địa phương, để chúng tôi có thể tích hợp trải nghiệm khách hàng và cung cấp trải nghiệm phong phú hơn cho khách hàng của mình", chủ tịch Grab nói.
Cụ thể, Lazada khai thác mạng lưới khách hàng và tài xế của Grab, hướng người mua hàng đến dịch vụ giao đồ ăn của Grab và sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng bưu kiện của Grab để vận chuyển sản phẩm. Grab cũng giới thiệu người dùng ứng dụng của mình với Lazada.
Grab và Lazada có thể nhân rộng quan hệ đối tác tại Việt Nam tại các thị trường Đông Nam Á khác. Ảnh: EPA |
Trong khi đó, Tiki hứa hẹn giao hàng trong hai giờ nhờ vào chuỗi cung ứng end-to-end với hệ thống trung tâm giao hàng trên toàn quốc. Nó cũng ra mắt thẻ tín dụng của riêng mình với một ngân hàng địa phương vào năm 2020. Điều này cho thấy, Tiki đang muốn vượt ra ngoài các hoạt động thương mại điện tử.
Mối quan hệ đối tác được tạo dựng tại Việt Nam của Lazada và Grab có thể sẽ được nhân rộng ở các thị trường Đông Nam Á khác.
Vào tháng 11, Lazada cùng với Google đã bắt đầu các khóa đào tạo kỹ thuật số cho người bán hàng trực tuyến của mình để họ có thể cải thiện doanh số bán hàng. Điều này cũng sẽ giúp cải thiện hiệu suất của chính Lazada.
Mặt khác, Grab và Gojek cũng đang tìm kiếm sự tăng trưởng trong các dịch vụ tài chính. Năm 2020, Grab mua lại công ty khởi nghiệp quản lý tài sản Bento và đầu tư vào công ty thanh toán nhà nước LinkAja của Indonesia.
Giống như Sea, Grab đã có được giấy phép hoạt động ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore thông qua liên doanh với Viễn thông Singapore. Về phía Gojek, họ đã mua lại 22% cổ phần của ngân hàng cho vay địa phương Bank Jago, dự kiến cung cấp các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số trên siêu ứng dụng Gojek.
Các đối thủ quốc tế cũng gia nhập cuộc chơi
Những người chơi quốc tế khác cũng đang hưởng ứng điều này. Amazon của Mỹ đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Singapore. Trong lĩnh vực giao đồ ăn, Delivery Hero của Đức cũng đang tích cực mở rộng ở Đông Nam Á, thông qua thương hiệu Foodpanda. Ứng dụng nhắn tin Line của Nhật có Line Man, một trong những dịch vụ giao đồ ăn phổ biến nhất ở Thái Lan.
Nhìn về phía trước, nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu phục hồi, được hỗ trợ bởi chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa cũng như việc phân phối vaccine COVID-19. Một số công ty khởi nghiệp chưa niêm yết đã bắt đầu nhận được nhiều vốn hơn. Vào tháng 11, Gojek đã thu được 150 triệu USD từ Telkomsel, nhà khai thác di động thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia.
Sea được niêm yết tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: TechCrunch |
Trong khi đó, các công ty niêm yết như Sea đang tận dụng lợi thế của sự phục hồi của thị trường chứng khoán. Vào tháng 12, Sea đã huy động được gần 3 tỷ USD thông qua các đợt chào bán cổ phiếu mới cho các mục đích "bao gồm các khoản đầu tư và mua lại chiến lược tiềm năng". Trong khi hầu hết các công ty khởi nghiệp, bao gồm Sea, vẫn đang lỗ ròng, thì nguồn vốn mới sẽ cho phép họ mở rộng hơn nữa, thúc đẩy sự cạnh tranh.
Ông Muljono, thuộc YCP Solidiance, chỉ ra rằng, các công ty kỹ thuật số lớn trong khu vực như Grab, đang nhanh chóng mở rộng dịch vụ của họ để trở thành các ứng dụng phong cách sống. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn, như các ông lớn công nghệ của Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như các tập đoàn địa phương, thích đầu tư vào các công ty lớn hiện có.
Điều này "có nghĩa là các công ty lớn ở Đông Nam Á sẽ cạnh tranh với các công ty lớn hiện có, đồng thời củng cố thông qua các thương vụ mua lại khác nhau. Điều này sẽ dẫn đến một thị trường hợp nhất ở Đông Nam Á, được dẫn dắt bởi một số người chơi và được hỗ trợ bởi sự đầu tư từ khắp nơi trên thế giới", ông Muljono nói.