• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại dịch COVID-19 đã 'bần cùng' hóa gần 100 triệu người trên toàn cầu

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tính từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, đã có...

Dipali Roy không đủ tiền để ăn.

Cô và chồng, Pradip Roy, là công nhân may mặc ở Bangladesh khi đại dịch Covid-19 ập đến vào mùa Xuân năm ngoái (2020).

Và cũng giống như hàng triệu người trên thế giới, cả hai đều mất việc làm. Họ phải rời thủ đô Dhaka, nơi 2 vợ chồng đã làm việc trong nhiều năm tại một nhà máy sản xuất quần áo. Mất việc, cũng giống như hàng triệu lao động khác, vợ chồng cô buộc phải chuyển về nhà ở quê để cắt giảm chi phí.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, khoảng 97 triệu người trên toàn cầu đã rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch và buộc phải sống dưới mức sống 2 USD/ngày.

Đã có rất ít sự giúp đỡ để người dân cải thiện cuộc sống kể từ khi đại dịch bắt đầu.

"Sự gia tăng nghèo đói, cái đã bắt đầu xảy ra vào năm 2020 do Covid – 19 trên toàn cầu vẫn còn kéo dài cho đến năm 2021", các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới cho biết trong một bài đăng trên blog đầu năm nay.

"Chúng tôi gần như không có đủ tiền để trở về nhà", Dipali Roy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN từ một căn lều nằm trong một ngôi làng phía Bắc Bangladesh.

Hai vợ chồng đã điều chỉnh cuộc sống bằng cách tìm kiếm những phương cách kiếm sống mới. Họ đã cố gắng tìm một khoản vay để bắt đầu buôn bán nhỏ, nhưng không ai có thể hoặc sẵn sàng giúp đỡ họ. Một số tổ chức phi lợi nhuận địa phương đã yêu cầu hai vợ chồng thế chấp tài sản nhưng…họ chẳng có gì để thế chấp!

Pradip Roy chuyển hy vọng kiếm tìm việc làm sang lĩnh vực nông nghiệp và đã tiếp cận được một số nông dân.

Tuy nhiên, anh bị coi là "người đàn ông Dhaka", người sẽ không thể đối phó được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nông thôn, vợ anh ta kể lại.

Trên hết, thực phẩm là vấn đề lớn nhất.

Dipali Roy năm nay mới 20 tuổi và đang mang thai, đôi khi chỉ được ăn một bữa mỗi ngày thông qua một chương trình khẩu phần công khai.

"Tôi không biết phải làm gì ... Chúng tôi phải ngồi và đợi khi họ mang đồ ăn đến", cô nói.

Theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch xảy ra vào năm 2020 đã dẫn đến một bước thụt lùi lịch sử trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. Số lượng người nghèo trên thế giới tăng lần đầu tiên sau hơn 20 năm.

Carolina Sánchez-Páramo, Giám đốc toàn cầu về nghèo đói và công bằng tại Ngân hàng Thế giới ví đại dịch giống như một thảm họa tự nhiên và nó sẽ nhanh chóng lan rộng ra ngoài khu vực Đông Á.

"Chúng tôi biết 'sóng thần' sắp đến. Câu hỏi đặt ra là liệu cú sốc kinh tế này có lan đến các khu vực đang phát triển khác hay không và khi nào nó sẽ đến", bà Carolina Sánchez-Páramo nói với CNN Business.

Bất bình đẳng gia tăng

Trong khi hàng chục triệu người bị đẩy vào cảnh túng quẫn thì giới siêu giàu ngày càng trở nên giàu có hơn. Theo Trung tâm nghiên cứu Bất bình đẳng Thế giới, năm ngoái, tài sản của các tỷ phú thế giới đã tăng cao ở mức kỷ lục.

Và trong khi 1.000 người giàu nhất thế giới chỉ mất 9 tháng để “lấy lại những gì đã mất” do đại dịch thì với người nghèo, họ có thể phải mất hơn một thập kỷ mới có thể phục hồi lại cuộc sống như trước đại dịch, theo báo cáo Oxfam International.

Shameran Abed, Giám đốc điều hành của BRAC International, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm xóa đói giảm nghèo ở châu Á và châu Phi, đã chỉ ra khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng và nói rằng chỉ cần tiền của "ba người giàu nhất thế giới" là có thể xóa sổ tình trạng nghèo đói trên Trái đất.

"Đó không phải là trách nhiệm của riêng họ. Nhưng tôi chỉ nói rằng chúng ta có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề này", ông nói thêm.

211222024532-01-pandemic-poverty-exlarge-169.jpg
Cùng với gần 100 triệu người, vợ chồng Roy phải chịu cảnh nghèo đói do đại dịch.

Gần đây, 1% số người giàu có hàng đầu được cho là đã miễn cưỡng tham gia vào các vấn đề nhân đạo này.

Vào tháng 11, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các tỷ phú, bao gồm hai người đàn ông giàu nhất thế giới là Jeff Bezos và Elon Musk, "hãy bước lên ngay từ bây giờ, thử một lần".

Trong một cuộc phỏng vấn với Becky Anderson của CNN, David Beasley nói rằng, chỉ cần 6 tỷ USD, tương đương khoảng 2% giá trị tài sản ròng của Musk, là có thể giúp giải quyết nạn đói trên thế giới.

"6 tỷ USD để cứu 42 triệu người sẽ chết theo đúng nghĩa đen nếu chúng tôi có được lương thực cho họ. Nó không phức tạp", ông nói thêm.

Lời kêu gọi này đã nhận được phản hồi trực tiếp từ Musk, người sau đó đã nói trên Twitter rằng, nếu tổ chức này có thể đưa ra “sao kê” chính xác điểm đến của nguồn tài tr,  ông sẽ "bán cổ phiếu Tesla ngay bây giờ và làm điều đó".

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Tesla (TSLA) đã không trả lời công khai khi Liên Hợp Quốc công bố kế hoạch vào tháng 11.

Chúng ta cần phải hành động thế nào?

Abed, người gần đây đã làm việc với các thành viên quốc hội ở Vương quốc Anh để đưa ra tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" về vấn đề này, mỉa mai rằng, "nghèo đói là một chính sách có lựa chọn".

"Chúng tôi có cách để kéo một lượng lớn người thoát khỏi đói nghèo", lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận đã giúp vợ chồng Roys một khoản vay để sinh sống, cho biết.

"Có rất nhiều bằng chứng về những gì hiệu quả và những gì không hiệu quả”, nhóm này nói thêm.

Các chuyên gia cho biết nhiệm vụ đầu tiên là tập trung tiêm chủng.

"Chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận với vaccine hoặc một số phương pháp điều trị bệnh. Bởi, cho đến khi bạn chưa kiểm soát được sức khỏe thì rất khó để nghĩ đến việc phục hồi kinh tế. Đó gần giống như một điều kiện cần cho bất cứ điều gì khác xảy", Sánchez-Páramo nói.

Bất bình đẳng về vaccine đã trở thành một vấn đề lớn khi nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới đã tiến hành tích trữ để tiêm chủng cho người dân của mình nhiều mũi nhưng không thực hiện lời hứa chia sẻ chúng với các nước nghèo và các nước đang phát triển.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các chính phủ cũng nên tập trung vào việc kích hoạt lại hoạt động kinh tế để tạo ra việc làm, chẳng hạn như trong lĩnh vực dịch vụ sau khi tạm kiểm soát dịch bệnh, theo Sánchez-Páramo.

Trong hai năm qua, các chính phủ trên khắp thế giới đã tung ra các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế của mình.

Sánchez-Páramo lưu ý rằng, nhiều chính phủ phải chịu "áp lực tài chính" về số tiền họ đã chi ra theo hình thức cho vay hỗ trợ và đang tìm cách thu hồi.

211222025300-02-pandemic-poverty-exlarge-169.jpg
Vợ chồng Roy may mắn có được khoản vay để trang trải cuộc sống.

“Họ nên đợi việc làm được phục hồi trước khi thu hồi lại tiền hỗ trợ, đặc biệt là từ một số hộ gia đình dễ bị tổn thương. Bởi vì, nếu chúng ta thu hồi hỗ trợ quá nhanh, có thể sẽ xảy ra ​​làn sóng gia tăng nghèo thứ hai vì nhiều người chưa có việc làm", bà nói thêm.

Những "ánh sáng cuối đường hầm"

Trở lại Bangladesh, vợ chồng Roys đang có những ngày tốt đẹp hơn.

Sau khi đảm bảo khoản vay 40.000 taka (466 USD), cặp đôi này đã mua một chiếc xe và một con dê để tự trang trải cuộc sống.

Pradip Roy hiện đang chở khách bằng chiếc xe của mình với mức thu nhập tương đương khoảng 6 USD/ngày. Anh cho biết gia đình không có kế hoạch trở lại thành phố và hiện đang dành dụm để mua một con bò và một số đất nông nghiệp.

Trong khi về mặt kỹ thuật, cả hai đã thoát khỏi cảnh nghèo đói, thì những khó khăn của cuộc khủng hoảng do coronavirus vẫn còn hằn sâu trong tâm trí họ.

Dipali Roy bảo cảm giác "đói cồn cào" trong khi mang thai là khoảng thời gian "đau đớn nhất" trong cuộc đời mình và cho biết, "nếu tôi nghĩ lại hoặc nhớ lại những khoảng thời gian đó, tôi sẽ bật khóc".

"Nhưng bây giờ chúng tôi đang có những ngày rất vui vẻ", cô nói thêm rằng cô đã lấy lại được hy vọng cho tương lai và ước mơ con của mình thành đạt trong tương lai.

Tuy nhiên, họ có một lời nhắc nhở đối với cộng đồng quốc tế rằng, đừng quên những người còn lại.

Trong khi đó, Pradip Roy nói: “Có rất nhiều người giống như chúng tôi đã rơi xuống vực sâu. Vì vậy, nếu bạn đứng bên cạnh họ, họ cũng có thể vượt lên trở lại như chúng ta, cứ từ từ".

(Nguồn CNN)

NGUYỄN MINH

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật