• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại dịch sang giai đoạn mới, giới chuyên gia đề xuất đổi cách theo dõi COVID-19

Sau hơn một năm theo dõi sát sao số ca mắc COVID-19, các nhà dịch tễ học bắt đầu chuyển trọng...

Tờ Bloomberg nhận định với việc các quốc gia phát triển đang tăng nhanh tỷ lệ tiêm chủng cho người dân thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, mối liên hệ giữa số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong dường như đang giảm dần. Hiện nay ở một số nơi, trọng tâm chống dịch của họ là học cách sống chung với virus gây bệnh cũng như tập trung vào dữ liệu quan trọng nhất để tránh tình huống phong tỏa. 

Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nhà tang lễ ở Bogota, Colombia, ngày 19/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại nhà tang lễ ở Bogota, Colombia, ngày 19/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Jennifer Nuzzo - nhà dịch tễ học tại Trung tâm về virus Corona của Đại học Johns Hopkins, một trong những nền tảng toàn diện nhất để theo dõi tình hình dịch COVID-19 - cho biết: “Có thể chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn chỉ theo dõi các ca nhập viện”.

Trước khi các chiến dịch tiêm chủng diễn ra ở Anh, Mỹ và châu Âu, sự gia tăng đột biến về số người mắc mới COVID-19 gần như đều biến thành sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong trong vài tuần. Sự căng thẳng đối với hệ thống y tế khiến các nhà lãnh đạo không có nhiều lựa chọn ngoài việc hạn chế hoạt động của người dân, phá vỡ nền kinh tế cũng như buộc những người mắc các bệnh lý khác phải trì hoãn các thủ tục quan trọng.

Giờ đây, giới khoa học và các quan chức chính phủ đang xem xét liệu việc mở rộng phạm vi tiêm chủng cuối cùng có phá vỡ chu kỳ trên hay không. Các sự kiện ở Anh là một ví dụ thử nghiệm hấp dẫn nhất cho đến nay.

Theo ứng dụng Vaccine Tracker của Bloomberg, khoảng 46% dân số Vương quốc Anh đã được tiêm chủng đầy đủ, giúp giảm số người tử vong hàng ngày xuống mức thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, số người mắc biến thể Delta - chủng virus dễ lây lan lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ - đã tăng gần gấp đôi trong tuần trước. Tỷ lệ nhập viện cũng tăng cao hơn, trong khi hầu hết bệnh nhân chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Mới đây, Thủ tướng Boris Johnson đã hoãn quyết định dừng các biện pháp hạn chế trong bốn tuần để cho phép nhiều người trưởng thành hơn được tiêm liều vaccine thứ hai, với dữ liệu cho thấy làm tăng đáng kể khả năng bảo vệ chống lại chủng virus mới. Nhưng ngay cả khi virus lây lan rộng hơn ở trẻ em và thanh niên chưa được tiêm chủng, mục tiêu thử nghiệm thực sự của chiến dịch tiêm chủng này là nhằm xác định liệu số ca nhập viện và tử vong có ở mức thấp hay không.

Nếu làm như vậy, COVID-19 sẽ sớm không còn là đại dịch không thể kiểm soát được và trở thành bệnh lặp lại theo mùa giống như cúm. Đối với các nhà hoạch định chính sách, đó mới là mục tiêu chống dịch mới của họ.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock phát biểu trước quốc hội tuần trước rằng: “Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu sống chung với loại virus này giống như chúng tôi đang làm với bệnh cúm”.

Các nhà khoa học cho biết việc so sánh sự phổ biến của COVID-19 với cúm – căn bệnh cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người trên toàn cầu mỗi năm - sẽ trở thành một thước đo quan trọng cho mùa thu và mùa đông tới. COVID-19  đã làm trên 3,8 triệu người tử vong kể từ đầu năm 2020, nhưng các quốc gia có chiến dịch tiêm chủng hiệu quả cuối cùng sẽ có thể điều trị các đợt tái phát định kỳ của COVID-19, tương tự như với bệnh cúm, đồng thời đưa ra các quyết định chính sách sao cho phù hợp.

Bà Nuzzo nói: “So sánh tác động của COVID-19 với tác động của bệnh cúm mùa là một điều thích hợp khi tính đến những biện pháp hạn chế như đóng cửa trường học. Chúng ta đang làm gì với bệnh cúm? Chúng ta sẽ làm điều này trong một mùa cúm bình thường chứ?".

Vaccine và các biến thể

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 20/6/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 20/6/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong một dấu hiệu cho thấy sự lạc quan của đại dịch, khoảng hai chục bang của Mỹ đã giảm tần suất phát hành dữ liệu COVID. Florida hiện chỉ báo cáo một lần mỗi tuần.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, giới chức y tế vẫn chưa thể rời mắt khỏi số liệu các ca mắc. Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã giảm các ca nhiễm mới gần như bằng 0, nhưng điều đó có nghĩa là những trường hợp đơn lẻ mắc bệnh cũng trở nên nổi bật hơn. Sau hơn một năm cố gắng loại bỏ COVID-19, việc chuyển sang coi nó như một căn bệnh địa phương sẽ là một sự điều chỉnh lớn của các cơ quan chức năng cùng với cách thức họ truyền thông về dịch bệnh này. Việc thiếu vaccine phòng ngừa ở một số quốc gia cũng đồng nghĩa với việc ngay cả những vụ bùng phát nhỏ cũng phải được coi là mối đe dọa đáng kể.

Tại Đài Loan, sau một năm tương đối bình tĩnh chống dịch và có số ca mắc hàng ngày ở mức một con số, hiện nay số ca mắc hàng ngày đã tăng cao tới 723 ca trong tháng 5. Chính quyền Đài Loan đã đóng cửa các địa điểm giải trí và cấm người dân tụ tập trong nhà nhiều hơn 5 người để hạn chế sự lây lan.

Nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins cho hay: “Khi chúng tôi phân tích tình hình Đài Loan, nơi từng là tấm gương chống dịch tốt ban đầu, đã cho thấy tính dễ bị tổn thương khi tình hình thay đổi. Họ sẽ không thể nới lỏng cho đến khi tiêm chủng rộng rãi hơn”.

Với dân số 24 triệu người, Đài Loan chỉ có hơn một triệu liều vaccine. Trong khi Trung Quốc đại lục - nơi áp đặt biện pháp phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt khi các đợt bùng phát nhỏ xuất hiện - đã tiêm 1 tỷ liều, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 1/3 dân số.

Một số khu vực của châu Á cùng các nước đang phát triển đang chứng kiến những đợt bùng phát mới cao nhất của họ. Với khả năng tiếp cận vaccine chưa cao, những khu vực này vẫn giữ trọng tâm theo dõi vào số ca lây nhiễm. 

Nguy cơ nhập viện

Ngay cả trong những nhóm đối tượng đã được tiêm chủng, số ca mắc vẫn là dữ liệu quan trọng. Virus cùng phát tán rộng thì khả năng nó có thể đột biến thành các chủng gây chết người hoặc kháng vaccine hiện có càng cao.

Người mắc biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi so với chủng Alpha, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Scotland đăng trên tạp chí The Lancet. Mặc dù có thể kiểm soát hiệu quả biến thể này bằng vaccine, mối đe dọa đối với các hệ thống chăm sóc y tế có thể tiếp tục gia tăng nếu virus đột biến thành các dạng mạnh hơn.

Không dễ gì đạt được số ca mắc bằng 0 trong tương lai gần, ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Hầu hết các xã hội đã chấp nhận thực tế về các virus đột biến gây bệnh khác, ví dụ như cúm, để kết hợp các chủng mới vào vaccine khi họ phát triển. Trường hợp của COVID-19 cũng có thể được xem như vậy. Marc Baguelin, nhà dịch tễ học tại Cao đẳng Hoàng gia London, đề xuất: “Chúng ta phải sống với sự thật rằng sẽ có các biến thể mới. Điều đó luôn xảy ra”.

Hoàng Trang

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật