• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn 3 nữ thủ tướng nước Anh

Trước bà Liz Truss, nước Anh từng có 2 nữ Thủ tướng là bà Margaret Thatcher và bà Theresa May.

Liz Truss

NBC đưa tin, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã đánh bại cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak để được bầu làm lãnh đạo của Đảng Bảo thủ trong ngày 5.9. Bà Truss nhận được được 81.326 phiếu bầu ủng hộ (57,4%), cao hơn nhiều so với 60.399 phiếu bầu (42,6%) mà ông Sunak nhận được. Bà Truss là nữ Thủ tướng thứ 3 của Anh, sau bà Thatcher - giữ chức Thủ tướng từ 1979 tới 1990 và bà Theresa May - người nắm quyền lãnh đạo Anh từ 2016-2019. 

Bà Liz Truss
Bà Liz Truss

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, bà Truss cho biết sẽ công bố kế hoạch giảm thuế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Tôi sẽ đưa ra một kế hoạch táo bạo để cắt giảm thuế và phát triển nền kinh tế của chúng ta. Tôi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, giải quyết các hóa đơn năng lượng của người dân, nhưng cũng giải quyết những vấn đề dài hạn mà chúng tôi gặp phải về cung cấp năng lượng” - bà nói.

Theo Sky News, bà Mary Elizabeth Truss sinh ra trong một gia đình cánh tả ở Oxford vào năm 1975, là con cả trong số bốn người con. Khi Liz Truss lên 4 tuổi, gia đình bà chuyển tới Paisley, gần Glasgow, nơi cha bà là ông John - một giáo viên toán học, đang làm việc. Mẹ bà là Priscilla - một y tá, là thành viên của Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân, thường đưa con gái nhỏ tham gia các cuộc tuần hành "cấm bom". 

Bà cho biết bà đã phát triển quan điểm chính trị của riêng mình từ rất sớm và "đã tranh luận chống lại cha mẹ trong một hộ gia đình cánh tả".

Sau này, gia đình bà Truss chuyển tới định cư ở khu vực Roundhay của Leeds. Ở trường Roundhay vào thời điểm đó, mỗi năm, trường sẽ gửi một nhóm nhỏ học sinh tới trường đại học Oxford và Cambridge và Liz Truss đã giành được một suất học chính trị, triết học và kinh tế tại trường Merton, thuộc đại học Oxford. Trong chiến dịch tranh cử, bà Truss đã tự mô tả mình là "một phụ nữ Yorkshire có gì nói nấy". 

Bà Truss đã trở thành Chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do của trường đại học Oxford và vận động để bãi bỏ chế độ quân chủ.

Sau khi tốt nghiệp năm 1996, bà Truss đã chuyển sang làm việc cho đảng Bảo thủ và làm việc tại công ty dầu khí đa quốc gia Shell, công ty viễn thông Cable & Wireless. 

Sau hai lần tranh cử vào Quốc hội không thành công vào năm 2001 và 2005, Liz Truss đã được chọn vào danh sách A của ông David Cameron và trở thành Hạ nghị sĩ đại diện cho khu vực Norfolk vào 2010. Thời điểm đó, bà kết hôn với ông Hugh O'Leary, một kế toán viên và có hai con gái nhỏ. 

Năm 2012, bà Truss bắt đầu bước lên nấc thang bộ trưởng với tư cách Bộ trưởng giáo dục cấp cơ sở. Sau này, bà còn giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Thương mại và tới tháng 9/2021 được bổ nhiệm là Ngoại trưởng. 

Khi làm Bộ trưởng Môi trường, bà Truss từng gây chú ý khi mô tả việc Anh phải nhập khẩu pho mai là "một sự ô nhục".  Bà cũng nhiều lần nói hớ trong suốt các năm hoạt động chính trị và bài phát biểu mới đây sau khi kết quả bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ được công bố, cũng không phải ngoại lệ.

Hôm 5/9  bà Truss phát biểu cảm ơn tất cả những người đã làm việc cùng bà trong chiến dịch tranh cử, cũng như đối thủ Rishi Sunak. Tuy nhiên, mọi việc đã đi xa hơn, khi bà nói: "Tôi cũng muốn cảm ơn người bạn, nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm của chúng ta, ông Boris Johnson". Sau một hồi tạm dừng để chờ những tiếng vỗ tay, bà Truss nói "Boris, ông đã hoàn thành Brexit, đã đè bẹp Jeremy Corbyn, triển khai vắc xin và chống lại Vladimir Putin. Ông được ngưỡng mộ từ Kiev đến Carlisle".

Tân Thủ tướng Anh có hình ảnh cứng rắn được so sánh với vị nữ Thủ tướng đầu tiên Thatcher. 

Những ưu tiên hàng đầu của bà Truss khi liên nắm quyền là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của đất nước: Hóa đơn thực phẩm và năng lượng tăng vọt (riêng hóa đơn điện và khí đốt trong gia đình tăng gấp 3 lần); nỗi lo mất điện trong mùa đông này; và lạm phát.

Margaret Thatcher 

Bà Margaret Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên của Anh quốc, cũng là một trong những chính trị gia quyền lực nhất trong lịch sử, được truyền thông gọi là “người đàn bà thép” (Iron Lady) của nước Anh.

Bà Margaret Thatcher 
Bà Margaret Thatcher 

Bà Thatcher sinh tháng 10/1925 tại một thị trấn nhỏ ở phía Đông nước Anh. Bà từng theo học ngành hóa tại đại học Oxford nhưng đã tham gia chính trị từ khi còn khá trẻ. Bài diễn văn chính trị đầu tiên mà bà trình bày trước công chúng khi mới 20 tuổi.

Bà nhận chức Thủ tướng vào năm 1970, trong suốt những năm hoạt động chính trị, bà liên tiếp thực hiện các cuộc cải cách về kinh tế, chính trị, giáo dục. Bà xây dựng và kiện toàn thể chế pháp quyền, đấu tranh cho nền kinh tế thị trường, quyền tự do nhân dân.

 Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bà đã đưa quân đội Anh vào cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát quần đảo Falkland với Argentina và giành chiến thắng. Cũng trong nhiệm kỳ đầu, bà Thatcher kiên định theo chính sách hạn chế và cắt giảm trợ cấp của chính phủ cho giới doanh nghiệp và đẩy mức thất nghiệp ở Anh lên mức kỷ lục.

Những cuộc xung đột Anh - Ireland, khủng hoảng đình công trên quy mô cả nước, diễn biến "Tôi trở thành thủ tướng với mục đích rõ ràng. Đó là đưa vương quốc Anh trở thành quốc gia năng động, thay vì một nước chỉ biết ngồi và chờ đợi", Margaret Thatcher viết trong sách.

Nick Clegg - nguyên Phó Thủ tướng Anh - từng nhận định: “Margaret Thatcher là người đã định hình nền chính trị hiện đại của nước Anh. Dù đứng ở phe nào, không ai có thể phủ nhận được rằng với tư cách là thủ tướng, bà đã để lại dấu ấn đặt biệt và lâu dài trên đất nước".

Năm 1983, bà tái đắc cử chức Thủ tướng Anh nhờ chiến thắng ở Falklands đồng thời đưa đảng Bảo thủ giành số ghế kỷ lục trong quốc hội (chiến 42%), cao gần gấp đôi số phiếu mà đảng đối lập lớn nhất (Công đảng) giành được.

Trong suốt những năm làm Thủ tướng Anh, bà Thatcher đã ghi dấu với vai trò là một trong những người góp phần chấm dứt chiến tranh Lạnh nhưng đồng thời cũng là một người phản đối mạnh mẽ nhất việc thống nhất 2 miền nước Đức.

Bà là lãnh đạo nữ đầu tiên của một quốc gia châu Âu lớn. Tuy nhiên, những chính sách ngoại giao của nữ Thủ tướng Anh cũng đầy tranh cãi.

Dù nước Anh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với Áchentina về quần đảo Falklands nhưng quyết định của bà Thatcher tiến hành chiến tranh giành lại một quần đảo nằm xa xôi ở nam Đại Tây Dương và không có vai trò quan trọng chiến lược được một số người nhìn nhận là quyết định thiếu thận trọng.

Rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa Thatcher. Nước Anh rơi vào tình trạng thất nghiệp tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và sự bất mãn, rối loạn chưa từng có kể từ thời kỳ Victoria. Cuối thời kỳ nắm quyền, bà tỏ ra ngày càng xa rời thực tế. Và mặc dù nhận được sự ủng hộ khá lớn của dư luận, bà bị chính đảng của mình phản bội và đã phải rời phố Downing trong nước mắt.

Theresa May 

Bà Theresa May nhậm chức vào năm 2016. Bà May sinh ngày 1/10/1956 tại Eastbourne, thị trấn ven biển ở miền nam nước Anh. Từ năm 12 tuổi, bà đã có mong muốn trở thành chính trị gia. Bà tốt nghiệp Đại học Oxford trước khi được bầu vào quốc hội năm 1997.

Theresa May trở thành chủ tịch đảng Bảo thủ vào năm 2002, gây ấn tượng khi nói tại hội nghị đảng thường niên rằng đảng Bảo thủ cần thay đổi hình ảnh "khó chịu" của mình nếu họ muốn vượt qua Công đảng của Thủ tướng Anh thời đó là Tony Blair. 

Bà Theresa May 
Bà Theresa May 

Năm 2010 - 2016, bà giữ chức bộ trưởng nội vụ, chịu trách nhiệm các vấn đề biên giới, nhập cư, luật pháp và trật tự. Bà nhấn mạnh không dung thứ cho việc nhập cư bất hợp pháp.

Năm 2016, Thủ tướng Anh David Cameron từ chức, bà Theresa May đã đánh bại các chính trị gia nổi tiếng hơn, bao gồm người dẫn đầu phong trào Brexit Boris Johnson để trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Anh, sau Margaret Thatcher.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách thủ tướng tháng 7/2016, May vạch ra chương trình nghị sự đầy tham vọng. Bà nói về việc giúp đỡ người nghèo, chiến đấu với những "bất công cháy âm ỉ" trong xã hội Anh. Tuy nhiên, bà không đạt được nhiều thành tựu vì vấn đề Brexit đã chiếm hầu hết thời gian làm việc của bà.

Trong một thời gian ngắn, bà May đã khiến các phe phái trong nội bộ đảng Bảo thủ đoàn kết, sau nhiều thập niên họ bị chia rẽ về chính sách đối với châu Âu.

Tuy nhiên, tháng 6/2017,  bà tự đưa mình vào "ván cược" lớn bằng cách tổ chức bầu cử sớm với mong muốn tăng số ghế đảng của mình tại quốc hội nhằm củng cố quyền lực của bà trong các cuộc đàm phán Brexit với EU. Đảng Bảo thủ mất thế đa số ở quốc hội. Bà phải liên minh với 10 nhà lập pháp từ đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland để tiếp tục nắm quyền. Kể từ đó, bà phải mất nhiều công sức để duy trì mối quan hệ giữa hai đảng.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, bà May cho biết trước khi trở thành Thủ tướng, bà chỉ ngủ 5 hoặc 6 tiếng mỗi đêm. Khi tiến trình đàm phán Brexit diễn ra, có những đêm bà chỉ ngủ ít hơn 4 giờ đồng hồ. 

Năm 2019, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và rời bỏ cương vị người đứng đầu chính phủ, sau thất bại trong việc đưa nước Anh rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu theo đúng kế hoạch cũng như không thuyết phục được Quốc hội nước này ủng hộ thỏa thuận Brexit. 

Nhiều chuyên gia chỉ trích bà May là một thủ tướng thất bại, không thể thực hiện được nhiệm vụ chính của mình. Tuy nhiên bà vẫn được nhớ đến là một lãnh đạo đối mặt với tình huống khó khăn ngay từ khi nhậm chức và đã cố gắng giữ vững quyết tâm.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật