Những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch viêm đường hô cấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế đã buộc các ngân hàng trung ương đưa ra các biện pháp kích thích “chưa từng có tiền lệ”.
Với chính sách lãi suất thấp cùng những gói tài chính khổng lồ, giới phân tích lo ngại rằng rủi ro vỡ nợ và lạm phát phi mã sẽ là những thách thức chờ đợi các quốc gia trong quá trình phục hồi hậu đại dịch.
Tuy nhiên, chuyên gia William Pesek, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Nhật Bản hóa: Những điều thế giới có thể học được từ những thập kỷ mất mát của Nhật Bản”, chỉ ra rằng tại sao mọi người lại lo lắng về lạm phát khi mà một cuộc Đại Suy thoái khác đang cận kề, mà nguyên nhân xuất phát từ nguy cơ giảm phát?
Nguy cơ suy thoái gia tăng
Nhà kinh tế Pesek chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách từ Washington đến Bắc Kinh vẫn kiên trì áp dụng tư duy thông thường cho các điều kiện toàn cầu khác thường hiện nay.
Cụ thể, các nhà lập pháp Mỹ vẫn còn chậm chạp trong việc đưa ra các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung trong khi lại thu hẹp chương trình trợ cấp thất nghiệp khi đặt niềm tin rằng sự phục hồi kinh tế đang diễn ra. Quan điểm có phần lạc quan này dường như được dựa vào báo cáo cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 0,6% trong tháng 7/2020.
Một phụ nữ đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán New York vào ngày 9/7. Ảnh: AP. |
Biên bản cuộc họp tháng Bảy công bố ngày 19/8 cho thấy các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) đã thể hiện nỗi lo ngại về thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Quốc hội Mỹ hồi tháng Ba đã thông qua gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES, bao gồm các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ phúc lợi bổ sung cho người thất nghiệp và một khoản tiền trực tiếp chuyển tới cho tất cả người dân Mỹ.
Rủi ro kinh tế suy giảm ngày càng gia tăng khi biện pháp cứu trợ quan trọng này hết hạn vào cuối tháng trước.Giới chức Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, đã nhiều lần kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế, nhất là đối tượng các hộ gia đình thuộc nhóm dễ bị tổn thương, đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tuy vậy, hy vọng về một dự luật chi tiêu mới dường như đang trở nên mờ dần trong những tuần gần đây, khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán kéo dài.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, thông tin cho hay chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng Bảy chỉ giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đã gieo hy vọng cho các nhà kinh tế về một triển vọng sáng của nền kinh tế hàng đầu châu Á.
Phản ứng tương tự cũng đã được ghi nhận sau khi Hàn Quốc công bố giá tiêu dùng của nước này tăng 0,3% trong tháng Bảy, cao hơn nhiều so với con số của giá tháng Sáu. Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (không bao gồm xăng dầu vào sản phẩm nông nghiệp) đã tăng 0,7%.
Theo nhà phân tích Hu Yuexiao thuộc công ty chứng khoán Shanghai Securities, xu hướng tăng giá tiêu dùng lớn hơn dự kiến sẽ góp phần củng cố quyết tâm bình thường hóa chính sách của các cơ quan quản lý tiền tệ. Điều này gây ra mối quan ngại rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không đưa ra những biện pháp cần thiết để chuẩn bị cho nguy cơ suy thoái kinh tế lớn hơn có thể diễn ra.
Bài học giảm phát của Nhật Bản
Chuyên gia Pesek nhận xét việc đặt ngân hàng trung ương vào vị trí dẫn dắt và tránh đưa ra các biện pháp tài khóa sáng tạo là lý do tại sao Nhật Bản vẫn đang vật lộn với dòng chảy giảm phát. Đây là bài học mà các quốc gia khác cần tránh sau hai thập kỷ triển khai các biện pháp nới lỏng định lượng của Nhật Bản.
Năm 1999, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trở thành cơ quan quản lý tiền tệ hiện đại đầu tiên cắt giảm lãi suất xuống 0. Hai năm sau, dưới thời Thống đốc Masaru Hayami, BoJ cũng tiên phong trong việc đưa ra chính sách nới lỏng định lượng.
Thống đốc BoJ hiện tại là ông Haruhiko Kuroda đang cân nhắc những cách thức mới để vực dậy nền kinh tế bằng các biện pháp kích thích tiền tệ. Dù vậy, theo giới phân tích, điều quan trọng hơn là cải cách cấu trúc nền kinh tế như Chính phủ Nhật Bản đã hứa từ năm 2001.
Hàng tồn kho tại các siêu thị riêng lẻ Tại Nhật Bản do lượng đơn đặt hàng trực tuyến tăng vọt. Ảnh: Seiyu. |
Theo các chuyên gia, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng èo uột bất chấp những biện pháp chấn hưng kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết thực hiện khi nhậm chức vào năm 2012. Thủ tướng Abe cho biết ông sẽ bắn “những mũi tên uy lực" vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với những mục tiêu như tăng khả năng cạnh tranh, đổi mới và tăng tiền lương.
Tuy nhiên, bảy năm sau, BoJ vẫn cách rất xa mục tiêu lạm phát 2%.Những bước tiến sai lầm trong cải cách của Nhật Bản bắt đầu từ năm 2001 dưới thời cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Giống như ông Koizumi, Thủ tướng Abe cũng giao trọng trách cho BoJ tập trung vào các vấn đề liên quan đến giảm phát mà không giải quyết tận gốc những nguyên nhân cơ bản.
Tokyo dường như đã phung phí quá nhiều năm khi đặt niềm tin vào triển vọng một nền kinh tế sôi động đã ở rất gần. Giờ đây, Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng gia tăng lỗ hổng sản lượng (mức chênh lệch giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng), tỷ lệ thất nghiệp cao và làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai có thể làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát thấp dai dẳng.
Các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc cần quyết liệt và sáng tạo hơn trong việc đưa ra những biện pháp kích cầu và phục hồi nền kinh tế vào lúc này khi còn có thể xoay chuyển tình hình trì trệ. Sức ép sẽ ngày càng lớn hơn nếu như nền kinh tế toàn cầu chính thức bước vào giai đoạn suy thoái do sản xuất tê liệt.
Một khi giảm phát đồng nghĩa với giảm cầu thì giá tài sản sẽ bị đẩy xuống thấp hơn. Điều này có thể dẫn tới hậu quả vỡ nợ và phá sản hàng loạt.
Nếu kịch bản đó xảy ra, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải sa thải hàng loạt nhân công và điều đó lại trở thành một tác động mới khiến cầu giảm hơn nữa.Ở nhiều quốc gia phát triển khác, hầu hết các ngân hàng trung ương đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% đều không đạt được trong mấy năm trở lại đây và nếu sắp tới tình trạng giảm phát xảy ra thì mục tiêu này của các ngân hàng trung ương thêm xa vời.
(Nguồn: Bnews/TTXVN)