• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều trị bệnh do COVID-19, Việt Nam có nên thu phí?

Việt Nam miễn phí điều trị COVID-19, Trung Quốc miễn phí cho cả những người không có bảo...

Dịch bệnh do COVID-19 gây ra đang bùng phát toàn cầu, WHO đã có cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch. Con số ca nhiễm trên toàn thế giới đang tăng lên từng ngày khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm chi trả phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19?

Nước Mỹ, nơi có hệ thống y tế tiến bộ nhưng cũng rất sòng phẳng với công dân - Ảnh: minh họa.
Nước Mỹ, nơi có hệ thống y tế tiến bộ nhưng cũng rất sòng phẳng với công dân - Ảnh: minh họa.

Tại Mỹ, người dân đang khá lo lắng về chi phí điều trị, ngay cả khi họ được chính phủ mời đi cách ly sau khi được đón về từ vùng dịch, và phải tự trả chi phí hàng không hơn 1000 USD/người.

Frank và con gái là 2 trong số rất nhiều công dân Mỹ được chính phủ Mỹ giải cứu trở về từ Vũ Hán. Được cho vào trại cách ly và sau khi hết thời hạn, họ trở về nhà với các hóa đơn y tế hiện đã lên tới 3198 USD. Con số chắc chắn vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi vì “đặc thù” của một lần đi khám bệnh tại Mỹ đó là hoá đơn sẽ về lần lượt, từng phần một, và không hề rẻ.

Frank và rất nhiều trường hợp bị cách ly khác tại Mỹ vẫn đang từng ngày thấp thỏm chờ hóa đơn về. Theo New York Times, trung bình 1 ngày bạn nằm viện (chưa kể phải làm các xét nghiệm đặc biệt) chi phí sẽ tầm 4293 USD, chi phí xe cứu thương đưa gia đình Frank từ sân bay về bệnh viện cách ly được tính 2598 USD. Dự đoán sau 14 ngày cách ly với đủ các loại kiểm tra y tế, có lẽ phải làm những công dân này sẽ phát hoảng vì hóa đơn về không hồi kết.

Frank đã chất vấn về vấn đề này với các bên chịu trách nhiệm nhưng chưa bao giờ có một câu trả lời chính xác cho anh. Kể cả CDC ( Centers for Disease Control and Prevention - Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) cũng từ chối việc trả lời câu hỏi của Frank về việc ai sẽ hỗ trợ chi trả những chi phí này.

“Tôi tưởng tất cả chi phí này phải được chính phủ hỗ trợ chứ? Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc cách ly, khi nhận đống hoá đơn này bụng dạ tôi bỗng trống hoác luôn. Làm sao tôi có thể trả hết số tiền này?” Frank giãi bày.

Rất có thể, những người như Frank sẽ phải đối diện với một núi nợ sau 14 ngày trở về. Những người có bảo hiểm thì chi phí điều trị vẫn đắt, những ai ko có bảo hiểm như cha con Frank thì việc nợ nần là chuyện khó tránh khỏi.

Bệnh viện đa khoa Ng Teng Fong, Singapore. Ảnh: Straits Times
Bệnh viện đa khoa Ng Teng Fong, Singapore. Ảnh: Straits Times

Tại Mỹ, hiện có 27,5 triệu người không có bảo hiểm và hàng chục triệu người chưa có bảo hiểm ở mức cần thiết. Theo báo Denver Post, tuần vừa rồi gần 500 chuyên gia y tế và học giả trong ngành này đã cùng ký thư gửi tới nhà chức trách liên bang, kiến nghị việc chính phủ nên thanh toán chi phí y tế liên quan dịch bệnh COVID-19 để phòng dịch lây lan.

Theo ông John Graves - chuyên gia chính sách y tế tại Đại học Vanderbilt, hệ thống bảo hiểm y tế của Mỹ "được thiết kế theo cách khiến cho mọi người phải cân nhắc mỗi khi nghĩ tới việc tìm chỗ điều trị lúc bị sổ mũi, sốt và ho".

Bất kể những nỗ lực điều chỉnh đang diễn ra, cho tới nay, theo báo New York Times, những người muốn được xét nghiệm và điều trị các bệnh hô hấp như COVID-19 đều có nguy cơ phải trả những hóa đơn "khủng". 

Cuối tháng 1/2020, một người dân ở Miami phàn nàn việc anh phải trả hóa đơn 3.270 USD của Bệnh viện Jackson Memorial chỉ vì làm các xét nghiệm virus corona và sau đó biết là mình không mắc bệnh. Ở thành phố Denver, một phụ nữ có những dấu hiệu bị cúm đi xét nghiệm corona và dù không bệnh vẫn phải nhận hóa đơn 4.500 USD.

Còn tại Singapore, Bộ Y tế nước này ban hành quy định mới, theo đó miễn phí xét nghiệm COVID-19, những người nước ngoài bị bệnh họ phải tự thanh toán mọi chi phí điều trị khoảng 6.000-8.000 SGD (4.300-5.800 USD). Quy định này áp dụng từ ngày 7/3/2020. 

Công dân Singapore và những người được thường trú tại đây như những người có visa dài hạn để làm việc, học tập và các visa phụ thuộc khác thì được chữa miễn phí.

Tại Trung Quốc, theo tạp chí Vox, Trung Quốc miễn phí xét nghiệm, điều trị bệnh COVID-19 cho cả những người bệnh không có bảo hiểm y tế hoặc có bảo hiểm.

Việt Nam được coi là nơi có nền y tế tuy chưa hoàn hảo nhưng nhìn chung rất nhân đạo - Ảnh: minh họa.
Việt Nam được coi là nơi có nền y tế tuy chưa hoàn hảo nhưng nhìn chung rất nhân đạo - Ảnh: minh họa.

Quay trở về Việt Nam, nhiều ngày qua những thông tin phản hồi về chuyện đi cách ly có vẻ "sung sướng". Công dân trở về từ vùng dịch được chăm sóc từ tận sân bay về khu cách ly, được phục vụ ăn uống đầy đủ, kiểm tra y tế, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh và vẫn được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh.

Chi phí cho người đi cách ly tập trung là miễn phí. Còn bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện sẽ do bảo hiểm y tế chi trả.

Đối với khu vực bị phong tỏa, kinh phí từ ngân sách nhà nước giúp cung cấp thực phẩm miễn phí (Hà Nội) hoặc cấp tiền (40.000 đồng/người/ngày - Vĩnh Phúc)...

Nhiều ý kiến ủng hộ cách làm này của chính phủ, vì nếu thu phí thì người dân sẽ sợ tốn kém và tránh điều trị, kết quả làm dịch càng bùng phát, chi phí y tế lúc đó đội lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, một số người dân cho rằng, chỉ nên miễn phí đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, nếu có điều kiện, bạn phải tự chi trả. Đa số ý kiến mong muốn chính phủ nên thu phí người nước ngoài nếu chữa trị tại Việt Nam. Theo những người này lý giải, ngân sách điều trị có giới hạn, và chỉ nên dành cho công dân Việt Nam. Hơn nữa, tránh tình trạng các nước vùng dịch bay sang Việt Nam để được hưởng chính sách điều trị miễn phí này.

Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng khách nước ngoài nhiễm bệnh được điều trị tại nước ta còn thấp, việc điều trị miễn phí giúp nâng cao hình ảnh đất nước trong con mắt quốc tế. Nhưng trong tương lai, nếu số người nhiễm bệnh gia tăng, chắc chắn sẽ là ghánh nặng cho nền y tế Việt Nam.

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật