Ngày 13/4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ khuyến nghị tạm dừng sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng Johnson & Johnson (J&J) trong ít nhất là vài ngày để phổ biến thông tin cho các bệnh viện, trung tâm y tế về cách chẩn đoán và điều trị tình trạng đông máu. Trước đó đã có 6 trường hợp đông máu ở phụ nữ dưới 50 tuổi sau khi tiêm vắc xin này.
Theo ông Peter Marks, quan chức FDA, trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin J&J "rất giống" với các trường hợp sau khi tiêm vắc xin của Hãng AstraZeneca. Hiện chưa có báo cáo về các ca tương tự với những người tiêm vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech.
Chuyên gia nhận định, các quan chức Mỹ cần lưu ý các rủi ro có thể gặp phải khi tiêm vắc xin của J&J thấp hơn nhiều so với lợi ích, đặc biệt khi tỉ lệ là 6 ca đông máu trong 7 triệu người đã tiêm.
Bác sĩ Amesh Adalja, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế ĐH Johns Hopkins đánh giá nếu nguyên nhân liên quan đến vắc xin thì 6 trong 7 triệu người cũng là con số đáng lo ngại.
FDA đến nay đã ghi nhận 1 ca tử vong liên quan đến tình trạng đông máu hiếm gặp và 1 ca đang trong tình trạng nguy kịch trong số những người đã tiêm vắc xin ở Mỹ. Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đang xem xét các trường hợp đông máu sau khi tiêm vắc xin Johnson & Johnson tại Mỹ.
Ngày 13/4, giới chức ba bang bờ Đông nước Mỹ gồm New York, New Jersey và Connecticut đã phải ra lệnh hủy nghìn lịch tiêm. Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio, cũng ngay lập tức dừng chương trình tiêm vắc xin J&J một mũi cho những người bị bệnh phải ở nhà không đi đâu được tại thành phố New York.
Việc phải tạm ngưng sử dụng vắc xin J&J cũng ảnh hưởng tới kế hoạch tiêm cho sinh viên tại các trường đại học của bang New York.
Trước đó, Thống đốc New York Andrew Cuomo đã tuyên bố sẽ cấp khoảng 21.000 liều vắc xin J&J cho các trường đại học công lập của bang và khoảng 14.000 liều cho các trường đại học tư thục tại đây.