Các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới có kế hoạch cảnh báo những rủi ro dai dẳng đối với tăng trưởng toàn cầu từ các biến thể của COVID-19 ngay cả khi triển vọng tổng thể khả quan hơn, theo một thông cáo dự thảo được Bloomberg News đưa ra.
Theo đó, thế giới cần đầu tư hơn nữa để tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng y tế sau đại dịch COVID-19. Đây là khuyến nghị được các chuyên gia thuộc Ủy ban độc lập cao cấp đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Venice (Italy) ngày 9/7.
Khuyến nghị trên được đưa ra cùng với bản báo cáo phản ánh thực trạng thế giới chưa được trang bị đầy đủ để có thể ngăn chặn dịch bệnh tiếp theo được cho là có khả năng bùng phát trong thập kỷ tới.
Báo cáo nêu rõ ngay cả khi dịch COVID-19 qua đi, đại dịch tiếp theo có thể bùng phát trong 10 năm tới do sự xuất hiện của của một chủng virus cúm mới, một loại virus corona khác hoặc một trong số những mầm bệnh nguy hiểm khác.
Báo cáo khẳng định đại dịch này một khi bùng phát sẽ có thể gây ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều so với dịch COVID-19 đối với sức khỏe con người và kinh tế toàn cầu.
Qua đó, báo cáo khuyến nghị chính phủ các nước cùng cam kết đầu tư tối thiểu 75 tỷ USD trong 5 năm tới cho công tác phòng chống và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Cụ thể, khoản đầu tư này sẽ được phân bổ cho mạng lưới nghiên cứu và giám sát chung dịch bệnh, các dự án củng cố năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ công tác xử lý khủng hoảng tốt hơn cũng như tăng cường năng lực sản xuất vaccine toàn cầu.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định thế giới cần rút kinh nghiệm từ các bài học trong đại dịch COVID-19 để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh kế tiếp.
Bà nhấn mạnh "dịch COVID-19 vẫn còn đó", đồng thời hối thúc bộ trưởng các nước G20 ở thời điểm hiện tại làm nhiều hơn nữa để quyên góp thêm vaccine cũng như hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19.