Theo một báo cáo được công bố hôm 8/11, tính từ đầu đại dịch, ước tính có khoảng 8,4 triệu tấn rác thải nhựa đã được tạo ra từ 193 quốc gia
“Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhu cầu nhựa sử dụng một lần, tạo thêm áp lực cho việc xử lý rác thải nhựa trên toàn cầu vốn đã bị mất kiểm soát”, 2 nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Kinh - Yiming Peng và Peipei Wu - cho biết. Họ là tác giả của báo cáo có tựa đề “Mức độ nghiêm trọng và tác động của chất thải nhựa có liên quan đến đại dịch”, được công bố trên tạp chí trực tuyến PNAS.
“Nhựa thải ra biển có thể di chuyển những đoạn đường dài trong lòng đại dương, làm nhiều loài sinh vật tự nhiên ở biển có nguy cơ bị tổn thương, thậm chí tử vong”, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
Họ cho biết hơn 87% lượng rác thải nhựa là từ các bệnh viện, chứ không phải từ việc sử dụng cá nhân. Việc sử dụng nhựa PPE của cá nhân chỉ tạo ra 7,6% tổng lượng rác thải nhựa, trong khi bao bì và bộ dụng cụ xét nghiệm lần lượt chiếm tỷ lệ 4,7% và 0,3%.
Nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc cho thấy 46% rác thải nhựa không được xử lý đúng cách trên thế giới có nguồn gốc từ các nước từ châu Á, su đó là châu Âu (24%), Bắc và Nam Mỹ (22%).
Hàng nghìn tấn khẩu trang, găng tay, bộ dụng cụ xét nghiệm và kính chắn giọt bắn che mặt đã theo 369 con sông lớn trên thế giới, và trôi ra đại dương từ khi bắt đầu đại dịch đến tháng 8 năm nay. Nhiều nhất là ở Shatt al-Arab ở đông nam Iraq, trong đó sông Ấn, bắt nguồn từ phía tây Tây Tạng, chở theo 4.000 tấn và sông Dương Tử ở Trung Quốc 3.700 tấn.
Ở châu Âu, Danube (Đức) là con sông mang theo lượng chất thải nhựa có liên quan đến đại dịch nhiều nhất (1.700 tấn).
Khoảng 73% lượng xả thải là từ các sông châu Á, kế đến là các con sông ở châu Âu (11%), còn lại là từ các châu lục khác.