Ngày 6/10, Ủy ban Nobel Na Uy thông báo về quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2023 cho nhà hoạt động và nhà báo người Iran Narges Mohammadi vì "nỗ lực đấu tranh vì nữ quyền ở Iran, thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người".
"Bà Mohammadi đã ủng hộ cuộc đấu tranh của phụ nữ vì quyền được sống một cuộc sống đầy đủ và xứng đáng", Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel, cho biết.
Bà Mohammadi có thể sẽ không thể dự lễ trao giải vì đang thụ án tù hơn 10 năm ở trại giam Evin, Tehran với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước Iran".
Nhà hoạt động và nhà báo người Iran Narges Mohammadi. Ảnh: Reuters |
Bà Mohammadi là nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền của Iran, nổi bật với việc vận động cho quyền phụ nữ và việc bãi bỏ án tử hình ở quốc gia Trung Đông này. Bà đã đấu tranh suốt 30 năm qua để mang lại thay đổi căn bản cho Iran thông qua giáo dục và các biện pháp hòa bình khác. Được biết bà là phụ nữ thứ 19 và phụ nữ Iran thứ 2 giành giải thưởng danh giá này.
Theo Ủy ban Nobel Na Uy, bà Mohammadi đã bị bắt giữ 13 lần, bị kết án 5 lần với mức án tổng cộng lên đến 31 năm tù và 154 roi.
Bà Mohammadi đã tổ chức các cuộc biểu tình "Phụ nữ, sự sống, tự do" ở Iran sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, cô gái người Kurd bị lực lượng "cảnh sát đạo đức" bắt ở thủ đô Tehran với cáo buộc đội khăn trùm đầu không đúng quy định.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế.