• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gian nan chặng đường khôi phục kinh tế Trung Quốc

Dịch bệnh COVID-19 lan rộng, kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, những thử thách thực sự đối...

Năm 2019, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua sau những căng thẳng thương mại với Mỹ. Bước sang đầu năm nay, chưa kịp sốc lại tinh thần sau khi đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ, kinh tế Trung Quốc lại bị đại dịch COVID-19 giáng tiếp một đòn nặng nề.

Hậu quả là nền kinh tế số hai thế giới tiếp tục lao dốc thảm hại. Dịch bệnh đến nay cơ bản đã được khống chế, song chặng đường khôi phục kinh tế đang đối mặt rất nhiều khó khăn.

Chính quyền Trung Quốc đang cân bằng các nỗ lực để kiểm soát dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Ảnh: South China Morning Post.
Chính quyền Trung Quốc đang cân bằng các nỗ lực để kiểm soát dịch COVID-19 và giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Ảnh: South China Morning Post.

Những ảnh hưởng nặng nề

Đại dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động kinh tế của Trung Quốc rơi vào tình trạng gần như ngưng trệ trong tháng 1 và tháng 2. Trong hai tháng này, do phải thực hiện những yêu cầu chống dịch hết sức quyết liệt, các doanh nghiệp cơ bản đều ngừng hoạt động, các trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà hàng đều phải đóng cửa.

Hậu quả là, đại dịch đã khiến tỉ lệ thất nghiệp tại các địa phương tăng lên mức cao nhất trong những năm gần đây. Số liệu do Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2020, tình hình việc làm rất ảm đạm. Trong tháng 2, tỉ lệ thất nghiệp ở các thành phố trên toàn Trung Quốc đã đạt mức cao mới trong những năm gần đây, tăng 1% so với tháng 12/2019 lên 6,2%.

Cũng theo NBS, do ảnh hưởng của đại dịch, sản lượng công nghiệp giảm lần đầu tiên sau 30 năm. Trong tháng 1 và tháng 2, chỉ số này giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn trong hai tháng đầu năm chỉ đạt tổng cộng 410,7 tỷ nhân dân tệ (NDT), giảm 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không tránh khỏi tác động tiêu cực tương tự, một loạt chỉ số kinh tế quan trọng khác cũng đều sụt giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số bán lẻ hàng tiêu dùng, chỉ số chính thể hiện tăng trưởng tiêu dùng, đã giảm 19% trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Dây chuyền sản xuất nước ngọt đóng chai tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN.
Dây chuyền sản xuất nước ngọt đóng chai tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN.

Những sự sụt giảm đồng loạt nói trên đã dẫn đến bức tranh kinh tế tổng thể hết sức tiêu cực, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2020 ở mức 20.650 tỷ Nhân dân tệ (2.910 tỷ USD), giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là sự suy giảm tăng trưởng GDP theo quý lần đầu tiên kể từ năm 1992, thời điểm Trung Quốc bắt đầu thống kê chỉ số này.

Tuy nhiên, con số này phần nào đỡ hơn mức giảm tới 20,5% trong 2 tháng đầu. Riêng doanh số bán lẻ giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong nhiều thập niên; Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) trong tháng 2/2020 giảm mạnh 14,3% so với tháng 1, xuống 35,7 - mức thấp nhất trong lịch sử; Lĩnh vực đầu tư tài sản cố định giảm 24,5%, trái ngược mức tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Kim ngạch xuất-nhập khẩu hai tháng đầu năm đạt 4.120 tỷ NDT, giảm 9,6%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 15,9% và kim ngạch nhập khẩu giảm 2,4%; Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I đạt 216,19 tỷ NDT, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Giải pháp khắc phục

Giới chức Trung Quốc tuyên bố ổn định thị trường việc làm là ưu tiên hàng đầu trong công tác kinh tế năm nay. Tại Hội nghị Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện ngày 10/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu dốc sức ổn định việc làm.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng trung ương) ngày 30/3 đã giảm lãi suất của các thỏa thuận mua lại đảo ngược (repo) từ 2,4% xuống còn 2,2%. Bên cạnh đó, PBoC quyết định “bơm” 50 tỷ NDT (7 tỷ USD) vào các thị trường tiền tệ thông qua các thỏa thuận repo kỳ hạn 7 ngày. PBoC cũng phân bổ hạn mức cho vay lại đặc biệt trị giá 300 tỷ NDT (42,58 tỷ USD), qua đó hỗ trợ hơn 7.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đối phó đại dịch.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tại Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tại Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Tiếp đó, đầu tháng 4, PBoC cũng công bố một loạt quyết định hỗ trợ nền kinh tế, theo đó giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa xuống còn 6%. PBoC cũng quyết định "bơm" 400 tỷ NDT để ổn định thanh khoản tiền mặt nhằm kích thích tăng trưởng.

Ngoài ra, PBoC còn điều chỉnh giảm tỷ lệ lãi suất đối với lượng dự trữ vượt mức của các tổ chức tài chính từ 0,72% còn 0,35%. Quyết liệt hơn, ngày 20/4, PBoC đã giảm lãi suất cho vay cơ bản 1 năm (LPR) nhằm thúc đẩy kinh tế và ngăn chặn sự suy sụp của thị trường tài chính, theo đó hạ LPR từ 4,05% còn 3,85%.

Bên cạnh đó, nhiều thể chế tài chính của Trung Quốc cũng tăng cường phát hành trái phiếu để bổ sung vốn, đồng thời cung cấp nhiều khoản vay hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong tháng 3, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc (ADBC) đã phát hành tới 486,4 tỷ NDT trái phiếu, trong đó có những trái phiếu đặc biệt nhắm tới các lĩnh vực liên quan đến việc ngăn chặn dịch bệnh và phát triển kinh tế. Chẳng hạn, ADBC đã phát hành trái phiếu cho những mục đích như kiểm soát dịch bệnh, giảm nghèo, phát triển nông thôn, nối lại hoạt động làm việc và sản xuất thịt lợn.

Để phục hồi tiêu dùng, giới chức các địa phương, doanh nghiệp và các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc cung cấp các phiếu/mã mua hàng giảm giá trị giá hàng tỷ NDT để hỗ trợ các nhà bán lẻ chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Citic Securities dự đoán số phiếu giảm giá có tổng giá trị 34,9 tỷ NDT sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng thêm 62,9 tỷ NDT.

Kết quả bước đầu

Các nhà máy tại Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại nhưng chưa giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động và khách hàng. Trong ảnh: Công nhân lắp ráp ô tô tại một nhà máy ở thành phố Thượng Hải, ngày 24/2/2020. Ảnh: AFP
Các nhà máy tại Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại nhưng chưa giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động và khách hàng. Trong ảnh: Công nhân lắp ráp ô tô tại một nhà máy ở thành phố Thượng Hải, ngày 24/2/2020. Ảnh: AFP

Nhờ những giải pháp quyết liệt nêu trên, kinh tế Trung Quốc đã đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 3, lĩnh vực chế tạo của nước này đã dần ổn định trở lại, với hơn 99% số công ty công nghiệp lớn trên toàn quốc đã bắt đầu nối lại hoạt động. Khoảng 90% nhân viên của các công ty công nghiệp có doanh thu hàng năm hơn 20 triệu NDT (khoảng 2,84 triệu USD) đã trở lại làm việc.

Trong khi đó, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc đã khởi động lại công việc trên toàn quốc. Những diễn biến tích cực này đã giúp cho tình hình thị trường việc làm trong tháng 3 đã được cải thiện đôi chút. Thăm dò về tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực đô thị giữ ở mức 5,9%. Con số này thấp hơn 0,3 điểm % so với tháng 2.

Theo NBS, đà tăng lạm phát đã giảm tốc trong tháng 3. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019, giảm so với mức tăng 5,2% của tháng Hai và thấp hơn mức dự báo tăng 4,9% của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg. Xét theo cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI trong tháng Ba giảm 1,2% so với tháng Hai. Đáng chú ý, giá thực phẩm, vốn chiếm gần 1/3 tỷ trọng CPI, đã giảm mạnh 3,8%.

Việc các doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động và người lao động quay trở lại làm việc trong bối cảnh dịch COVID-19 cơ bản được khống chế đã giúp “kéo lại” phần nào mức sụt giảm của các hoạt động chế tạo, đầu tư và chi tiêu tiêu dùng trong hai tháng đầu năm.

Tuy nhiên, do dịch bệnh lan rộng, kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, những thử thách thực sự đối với kinh tế Trung Quốc chỉ vừa mới bắt đầu. Từ giữa tháng 3, kinh tế Trung Quốc đã phải hứng chịu thêm những ảnh hưởng do sự sụt giảm đột ngột về nhu cầu tại thị trường nước ngoài. Những nỗi lo về dịch COVID-19 sẽ tái bùng phát ở Trung Quốc vẫn còn đó.

Do vậy, nhiều nhà kinh tế dự báo một quá trình hồi phục gian nan và chậm chạp cho Trung Quốc trước khi có thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Dự đoán, sự phục hồi nhu cầu bên ngoài có thể sẽ diễn ra vào quý IV năm nay, do vậy kinh tế Trung Quốc cũng sẽ chỉ có thể bắt đầu phục hồi vào quý IV. Quý II sẽ là thử thách gay gắt nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

(Nguồn: TTXVN)

 

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật