Điều này được phản ánh trong Báo cáo Bất bình đẳng thế giới do một nhóm các nhà khoa học xã hội thực hiện.
Theo báo cáo, giá trị tài sản mà các tỷ phú trên thế giới sở hữu trong năm 2021 chiếm 3,5% giá trị tài sản toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020.
Tác giả báo cáo, ông Lucas Chancel, đồng giám đốc Global Inequality Labc cho biết: "Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm gia tăng bất bình đẳng giữa những người rất giàu và phần còn lại của thế giới." Ông lưu ý rằng các nền kinh tế giàu có đã sử dụng các gói hỗ trợ tài chính khổng lồ để kiềm chế sự gia tăng số người nghèo - tình cảnh nhiều nước khác phải đối mặt trong đại dịch COVID-19.
Báo cáo dựa trên nhiều nghiên cứu chuyên môn và dữ liệu phạm vi công cộng, với lời mở đầu được viết bởi các nhà kinh tế học Abhijit Banerjee và Esther Duflo, hai trong số ba người đoạt giải Nobel năm 2019 về vấn đề nghèo đói.
Cụ thể, 10% số người giàu trên thế giới hiện nắm giữ 52% tổng thu nhập toàn cầu, trong khi 50% những người nghèo nhất chưa có được mức 8%.
Và kể từ năm 1995 đến nay, tài sản của giới tỉ phú đã tăng từ 1% lên 3%. “Mức gia tăng mạnh diễn ra giữa thời điểm đại dịch.
Thực tế, năm 2020 là năm chứng kiến tích tụ tài sản tăng thêm ở mức kỉ lục đối với các tỉ phú toàn cầu”, báo cáo kết luận.
Báo cáo tổng hợp nhiều nguồn nghiên cứu hiện có, như danh sách những người giàu, hay những dữ liệu về sự gia tăng bất bình đẳng về sức khỏe, xã hội, giới và chủng tộc trong thời kỳ dịch bệnh.
Danh sách các tỷ phú thế giới hàng năm do Forbes bình chọn năm 2021 cho thấy số tỷ phú kỷ lục 2.755 người nắm giữ tổng giá trị tài sản lên tới 13.100 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 8.000 tỷ USD ghi nhận năm ngoái.
Báo cáo mới cho thấy một nhóm 520.000 người trưởng thành giàu nhất - chỉ chiếm 0,01% dân số thế giới - năm 2021 sở hữu 11% tài sản toàn cầu, tăng so với con số 10% năm ngoái.
Người nằm trong nhóm thiểu số này sở hữu tài sản có giá trị ít nhất 16,7 triệu euro (19 triệu USD). Theo các nhà phân tích, trong nhóm siêu giàu, một số hưởng lợi từ hoạt động mua bán trực tuyến phổ biến trong thời kỳ dịch bệnh.
Trong khi những người khác chỉ đơn giản là thu được từ giá tài sản tăng khi thị trường tài chính đặt cược vào tốc độ và hình dạng của sự phục hồi toàn cầu.
Báo cáo cũng chỉ ra thực tế tình trạng nghèo đói tăng mạnh ở các quốc gia có mức độ bao phủ phúc lợi yếu hơn, trong khi ở Mỹ và châu Âu, các gói cứu trợ của chính phủ đã giúp hạn chế ảnh hưởng đối với nhóm thu nhập thấp hơn.
Theo ông Chancel, điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của các chính sách xã hội trong cuộc chiến chống nghèo đói.
Theo Lucas Chancel, phân cực bất bình đẳng về thu nhập, tài sản trên thế giới diễn ra mạnh hơn 18 tháng sau khi đại dịch COVID-19.
Ông cho biết các tỷ phú đã tích lũy được khối tài sản 3.600 tỷ euro (4.100 tỷ USD) trong cuộc khủng hoảng đại dịch mà Ngân hàng Thế giới ước tính có khoảng 100 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực.