Năm 2020, số trẻ em quốc tế di cư lên đến 36 triệu người, tức cứ 66 trẻ lại có một trẻ sống bên ngoài quốc gia mình sinh ra. Trong đó, số trẻ di cư một mình ở mức rất cao.
Theo dữ liệu của UNICEF vào năm 2020, gần 14 triệu trẻ em di cư quốc tế trên thế giới sống ở châu Á, chiếm 39% tổng số trẻ em di cư. Châu Âu và Bắc Mỹ là nơi sinh sống của 31% tổng số trẻ em di cư. Trong đó, 18% là trẻ từ châu Phi (6,2 triệu). Một nửa số trẻ em di cư trên thế giới chỉ sống ở 15 quốc gia, dẫn đầu là Mỹ.
Hệ thống tạm trú của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đã tiếp nhận 122.000 trẻ em nhập cư không có cha mẹ đi cùng trong năm tài chính 2021, mức cao nhất mọi thời đại.
Năm 2016 và 2019, khi các kỷ lục trước đó được thiết lập, HHS đã tiếp nhận lần lượt 59.000 và 69.000 trẻ em nhập cư không có người đi kèm. Kể từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, riêng quận Yuma, bang Arizona đã ghi nhận hơn 36.000 trẻ vị thành niên không có người đi kèm vượt biên từ Mexico sang Mỹ.
Một số trẻ bị tách khỏi gia đình ở biên giới hoặc bị những kẻ buôn lậu bỏ lại. Guatemala, Honduras và Salvador là một số quốc gia có số trẻ em di cư không người đi kèm nhiều nhất.
Trẻ em nhập cư không có người đi kèm được chính quyền của Tổng thống Joe Biden bảo vệ khỏi bị trục xuất đến Mexico bằng cách vượt biên bất hợp pháp, nhưng cơ sở tạm trú lại quá tải. Kết quả, thanh thiếu niên di cư gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, dịch vụ không đầy đủ và thời gian lưu trú kéo dài.
Trẻ ở trại tập trung liên tục bị theo dõi để đề phòng các nỗ lực bỏ trốn, những cơn hoảng sợ và khả năng tự làm hại bản thân.
Khoảng 80% trẻ em không có người đi kèm di cư đến Mỹ có thành viên gia đình đang sống ở Mỹ, nghĩa là gần 20% số trẻ còn lại không có người thân ruột thịt tại xứ người.