“Người gốc Á ở Mỹ đổ xô đi mua súng”. Đọc cái tít ấy, anh Bèn chợt nhớ tới một bài hát cũ, của John Lennon, có cái tên “Hạnh phúc là một nòng súng ấm” (Happiness is a warm gun). Bài hát ấy được viết từ năm 1968, thu âm và ra mắt cùng năm trong album “The White Album”, một trong những sản phẩm đỉnh nhất của The Beatles. Cái tên bài hát được bắt nguồn từ cái tít của một bài báo trên tạp chí American Rifleman, kể câu chuyện một người cha dạy cho cậu con trai tuổi thiếu niên của mình tập bắn và cậu trai ấy đã phấn khích ra sao với bộ môn mới mẻ này. Bản thân cái tít bài báo cũng chơi chữ khi lấy lại tên của một cuốn sách bán chạy là “Happiness is a warm puppy”.
Ông John Lennon thổ lộ rằng ông bị tò mò bởi cái tít bài báo kia bởi ông nghĩ, một “nòng súng ấm” là một nòng súng mới vừa nhả đạn. Và ông liên tưởng tới khao khát của mình dành cho Yoko Ono, với cái nòng súng cá nhân của mình. Nói đến đây, anh Bèn nghĩ chắc ai cũng hiểu nhưng chắc cũng hơi tò mò rằng không biết súng của ông John thuộc loại nào? Tự động, bán tự động hay cắc bụp như CKC? Súng trường, súng lục hay đại bác? Chịu. Chỉ biết nòng súng ấm có nghĩa là... hạnh phúc.
Yoko Ono, người đàn bà thay đổi cả một huyền thoại John Lenon (Ảnh: internet). |
Nhưng chuyện của người Mỹ gốc Á ở năm Covid thứ hai này thì lại chẳng hạnh phúc chút nào với những nòng súng ấm. Họ đổ xô đi mua súng cũng chỉ vì... súng. Những hận thù dành cho người gốc Á tăng vọt khi mà các thuyết âm mưu về nguồn gốc virus Corona cứ được bơm ra, và từ đó bắt đầu xảy ra những vụ tấn công vào người gốc Á. Điển hình là ở Atlanta, thủ phủ bang Georgia. Hàng loạt vụ xả súng vào các tiệm kinh doanh của người gốc Á đã khiến nhiều người thiệt mạng. Sự kỳ thị, thù ghét được nuôi dưỡng bởi những tháng ngày bế tắc vì dịch bệnh đã khiến con người ta mất tự chủ. Lúc ấy, tin giả và thuyết âm mưu sẽ càng có tác động mạnh mẽ hơn lên tâm lý con người.
Tất nhiên, không phải đa số người da trắng đều có thái độ thù ghét ấy. Nhưng hãy thử tưởng tượng rằng nếu một người bỗng nhiên mất tất cả chỉ vì dịch bệnh và trong lúc cùng quẫn nhất, họ bỗng dưng bị tiêm nhiễm bởi những họng súng vô hình về cái gọi là “nguyên nhân châu Á” của cơn đại dịch kéo dài thì họ sẽ có phản ứng thế nào? Con người vốn dĩ hay có thói quen đổ lỗi cho ngoại cảnh và khi có một nguyên do “nghe có vẻ xuôi tai”, họ rất dễ tin vào đó. Khi niềm tin ấy trở nên mù quáng, phản ứng của họ là điều có thể lý giải được. Và nếu cái đà hận thù này cứ tiếp tục diễn tiến, sẽ có ngày chúng ta phải gọi nó bằng cái tên “Hội chứng ẩn ức phương Tây”, một thứ hội chứng có thật sau kỳ đại dịch lớn.
Thực ra, đại dịch chỉ là một khí quyển hoàn hảo cho hội chứng ẩn ức ấy hiện hình mà thôi. Sự trì trệ của phương Tây trong khoảng thời gian qua là có. Anh Bèn nhớ lại câu chuyện cách đây hình như cũng gần chục năm rồi. Đó là chuyện kể lần đầu tiên một lâu đài rượu vang vùng Bourgogne được bán cho một người Tàu. Cả cộng đồng trong vùng rượu ấy đã ồn ào lên một thời gian rất dài vì họ cho rằng điều đó tổn hại đến danh dự của Bourgogne rất nhiều.
Ở thời điểm đó, chuyện người Tàu mua lại các lâu đài rượu vang ở Bordeaux đã là quá phổ biến nhưng ở Bourgogne thì chưa xảy ra bao giờ. Nhưng khi lật lại lịch sử thông tin, người Bourgogne mới ngã ngửa ra. Cái lâu đài kia vốn dĩ đã được rao bán từ khá lâu, nhưng tuyệt nhiên không một ông mắt xanh, mũi lõ nào đủ tự hào dân tộc để bỏ tiền mua lại nó cả. Ông chủ người Tàu chỉ phải bỏ ra đúng 10 triệu euro để thôn tính trong sự hài lòng của chính người bán vì giá quá hời. Trước đó, người chủ cũ chỉ mong bán được khoảng 8 triệu euro mà thôi.
Câu hỏi đặt ra khi đó là “10 triệu euro có phải quá lớn với một cộng đồng muốn bảo tồn bản sắc?”. Để làm điều gì đó cụ thể thì không có một ai cả. Nhưng để thể hiện sự ẩn ức thì lại quá đông người. Cái trì trệ của phương Tây nằm từ những chuyện nhỏ nhặt như thế. Và đến khi các thế lực châu Á trỗi dậy, các ẩn ức kia trở nên lớn dần, phình to, nhưng lại bị dồn nén, cô đặc lại trong một cái vỏ khoác áo văn minh. Để rồi khi nó vỡ ra, sức phá hủy của nó không khác gì cú nổ mìn một cái đập nước.
Vết sẹo trên mặt Noel Quintana, 61 tuổi người Philippines, sau khi bị kẻ lạ mặt dùng dao rạch trên đường đi làm. Ông cho biết: "Không ai đến, không ai giúp, không ai quay video lại". (Ảnh: The Washington Post). |
Cái không gian sinh tồn chung đã bắt đầu nhuốm màu hận thù bạo lực một cách rất bình thường như thế, khi mà bản thân sự đua tranh giữa các quốc gia đã góp phần tạo thêm rất nhiều nguồn tin giả (được dùng để công kích nhau) khiến giống người bắt đầu chia rẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng để kiếm tìm hạnh phúc cho mình, nòng súng ấm chính là một giải pháp bệnh hoạn nhất. Thiểu số bộ phận da trắng sẵn sàng chọn phương án xả súng vào người gốc Á để thỏa cơn giận riêng rồi sẽ nhận ra rằng, việc làm ấy cũng không khiến đời sống của họ tốt hơn chút nào. Người gốc Á vì tự vệ đi mua súng phòng thân nhưng chắc chắn cũng không hề muốn nòng súng ấy phải ấm lên trước một kẻ thù chủng tộc. Hạnh phúc nên là khi chúng ta không có kẻ thù chứ không phải là khi chúng ta tiêu diệt được một kẻ thù.
Tự dưng, nghĩ đến đây anh Bèn nhớ lại về một loạt phim tư liệu mới xem có tên “Vương quốc hải tặc đã mất”. Đó là bộ tư liệu lịch sử nói về thời kỳ hoàng kim của cướp biển Caribe, với vương quốc cướp biển Nassau cùng những chính sách vô cùng dân chủ, thể hiện đúng một nền cộng hòa cướp bóc. Tất cả thủy thủ đều được chia quyền lợi như nhau, có phiếu bầu ngang nhau để lựa chọn thuyền trưởng và nếu thuyền trưởng không đáp ứng được đòi hỏi, họ có quyền bỏ phiếu phế truất. Thưởng, phạt trên hạm đội cũng được quyết định từ các phiếu bầu.
Và đám hải tặc ấy sinh ra từ đâu? Chẳng qua nó chỉ là một thứ con ngoài giá thú của những vương quốc châu Âu tranh giành quyền lợi trên thuộc địa. Vương quốc Anh đánh nhau với vương quốc Tây Ban Nha, và họ đẻ ra đám “tàu lùng” chuyên đánh cướp tàu buôn của Tây Ban Nha mà thôi. Tài sản cướp được nộp về cho nước Anh, đám “tàu lùng” được hưởng phần trăm nhất định. Để rồi khi Anh và Tây Ban Nha đạt được hòa ước, đám “tàu lùng” thất nghiệp rơi vào đường cùng nên quyết định đi làm cướp luôn cho vui, và họ cướp bất kể tàu nào không căn cứ vào quốc tịch. Chung quy thì người với người vốn dĩ có hận thù không? Hay chính hận thù ấy được nuôi dưỡng bởi các chính phủ, các thế lực chính trị và trải qua thời gian, lớp hận thù được thay áo mới, tân trang, mông má dưới những “chân lý” mới?
Ở năm Covid thứ hai này, người ta sẽ càng thấy rõ hơn các khác biệt chính trị gây chia rẽ chỉ làm con người bình thường trong xã hội thiệt thòi hơn mà thôi. Điển hình như nước Anh chẳng hạn. Việc họ rời khỏi EU là một ý chí chính trị của một nhóm tinh hoa chứ đâu phải của đại đa số dân chúng cho dù đã từng có một cuộc trưng cầu dân ý để đi tới quyết định Brexit. Sở dĩ đa số lựa chọn rời EU trong cuộc trưng cầu kia cũng bởi họ bị dẫn dụ, thuyết phục bởi chính số ít tinh hoa chính trị theo đường lối cực đoan mà thôi. Và hôm nay, khi Anh không còn ở trong EU nữa, người Anh mới cảm nhận được thiệt thòi khi EU ban hành lệnh cấm xuất khẩu vaccine ngừa Covid. Lệnh cấm này có thể khiến tiến trình tiêm chủng ở Anh chậm lại ít nhất 2 tháng. 2 tháng là khoảng thời gian rất ngắn nhưng đủ để mang lại tác động tiêu cực rất dài lên quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. May quá, châu Á không phải là điểm duy nhất xuất khẩu vaccine Covid trên toàn cầu. Nhược bằng không, chắc lại có thuyết âm mưu bôi xấu những người Á châu để thù hận càng thêm dày.
Thiểu số bộ phận da trắng sẵn sàng chọn phương án xả súng vào người gốc Á để thỏa cơn giận (Ảnh: internet). |
Cái lợi ích chính trị của một nhóm những cá nhân tinh hoa vẫn thường được xem là vì lợi ích quốc gia. Điều đó cũng đúng thôi nhưng không hoàn toàn. Nó sẽ chuẩn xác vì lợi ích quốc gia một cách trọn vẹn ở một số trường hợp nào đó còn đa phần, nó chỉ là sự hơn thua trong việc chứng minh chủ thuyết, chính sách của đảng phái mình, của thế lực mình là đúng đắn, chuẩn mực so với của nhóm đối thủ. Quyền lợi của nhóm, đảng phái vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nói đến đây, chắc phải nhắc lại chút chút về chuyện lùm xùm của Hoàng gia Anh suốt thời gian qua. Vợ chồng Hoàng tử Harry và Meghan đã từng cưới nhau như cổ tích nhưng chuyện của họ kết cục lại đang không cổ tích chút nào. Song, Nữ hoàng Anh có lý của bà. Mục tiêu tối thượng nhất của nữ hoàng và tất cả các thành viên hoàng gia chỉ là một thứ duy nhất: duy trì hoàng quyền. Để duy trì hoàng quyền này, không chỉ có người đứng đầu phải chấp nhận hy sinh cả đời sống riêng, tình cảm riêng, tự do riêng mà tất cả mọi thành viên hoàng gia đều phải sống trong khuôn khổ hết. Suy cho cùng, những ai thích ý chí tự do sẽ khen ngợi vợ chồng Harry và Meghan nhưng họ cũng nên hiểu một điều đơn giản. Vâng, nếu hoàng quyền không còn tồn tại, hoàng gia không có bổng lộc, ông hoàng tử và bà công nương kia lấy tiền đâu mà sống một đời sống thư thái đi nói chuyện tự do?
Trong lúc ấy, họng súng vẫn nóng lên ở Ukraine, ở Myanmar. Lấy cớ bằng cáo buộc gian lận bầu cử, quân đội Myanmar đã bắt các thành viên chính phủ, các thủ hiến bang và ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm. Người dân đấu tranh đòi dân chủ đã bất chấp tình trạng bệnh dịch và đổ ra đường biểu tình. Đụng độ xảy ra, người chết vì súng đạn đã lên đến con số đáng ngại. Hạnh phúc ở đâu khi nòng súng đã nóng ấm? Và câu nói của Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm. “Đỉnh cao của nỗi hổ thẹn quốc gia là khi lực lượng vũ trang của một nước sử dụng vũ khí chống lại chính người dân của họ”, ông Balakrishnan đã nói như thế, một câu nói có thể khiến nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau chứ không chỉ ở Myanmar, phải giật mình.
Shwe Yote Hlwar, 5 tuổi, ôm bức chân dung của cha, Zwe Htet Soe, 26 tuổi (người đã bị bắn chết trong khi biểu tình), trong đám tang của ông ở Yangon, Myanmar, hồi tháng 3 năm 2021. |
Dường như con người đã bắt đầu quá tải với sự đình trệ kéo dài của dịch bệnh. Anh Bèn cảm giác như thế khi những cuộc biểu tình xảy ra ở nhiều nơi. Ở Đức: biểu tình để phản đối phong tỏa. Ở London - Anh: biểu tình để phản đối các hạn chế sinh hoạt trong thời gian dịch. Ở Bristol - Anh: biểu tình phản đối chống lại dự thảo tăng thêm quyền hạn cho cảnh sát. Ở Mỹ: biểu tình chống kỳ thị người gốc Á... Nếu ở Mỹ, người gốc Á trương biểu ngữ “Người Á không phải là virus. Kỳ thị mới là virus” thì ở Anh, ở Đức, thứ được tuyên truyền là “Đại dịch này là giả”, “Trả lại cuộc sống bình thường cho chúng tôi”. Anh Bèn bật cười khi nghĩ đến cái chữ “đại dịch giả”. Lộng giả thành chân, sống giữa thời đại tin giả nhan nhản này, cuối cùng cái nào thật, cái nào giả chúng ta cũng bó tay không phân biệt nổi. Có khi nào, chính bản thân mỗi chúng ta cũng là giả hay không? Chịu chết. Chỉ biết, họng súng đang ấm nóng của những tháng ngày qua lại là súng thật, đạn thật. Đó mới là điều đáng tiếc nhất bởi những thương vong, mất mát lại không hề giả trá bao giờ.
Trong cơn hoạn nạn toàn cầu này, rõ ràng con người càng ngày càng bộc lộ chân tướng của mình hơn qua nỗi sợ, nỗi hận, sự ác và cả sự ấu trĩ. Tất cả những thứ ấy vốn dĩ được nuôi dưỡng âm ỉ ở những thời đoạn thanh bình, sung túc, ấm no. Không ai thể hiện chúng ra ngoài khi họ còn đang bận rộn hưởng thụ và vui thú. Nhưng khi bắt đầu đối diện khó khăn, thách thức và bị giam chân quá lâu, cái cùng ấy đã biến thành những phẫn nộ rất quái gở và nó bóc trần bản chất của giống loài.
Cuối cùng, anh Bèn kể về một cuộc biểu tình khác. Nó xảy ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Phụ nữ đã tuần hành để phản đối sắc lệnh được Tổng thống Erdogan ban hành tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ rút ra khỏi hiệp định bảo vệ phụ nữ trước bạo lực. Chính Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên tham gia hiệp định này 10 năm trước, một hiệp định có tên Istanbul. Và may thay, ở cuộc biểu tình này, người ta không phải dùng súng. Trước phụ nữ ôn hòa, tại sao phải dùng súng để làm gì nhỉ? Có chăng, chỉ nên dùng loại súng khác, thứ mà ông John Lennon đã muốn ám chỉ từ hơn 50 năm trước.