• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hé lộ những cái tên hưởng lợi giữa xung đột Israel – Hamas: Cổ phiếu ngày một tăng giá, nhà đầu tư mê đắm

Đối với một số người, chiến tranh phải trả giá bằng mạng sống, nhưng đối với những...

Trong ngày 17/10, tình hình xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) tiếp tục leo thang nghiêm trọng, đặc biệt sau vụ tấn công vào một bệnh viện ở Dải Gaza khiến hơn 500 người chết.

Sau 10 ngày chiến sự, Bộ Y tế Palestine cho biết, 2.808 người đã thiệt mạng, 10.859 người bị thương ở Dải Gaza. Giới chức Israel thông báo số người thiệt mạng và bị thương của nước này lần lượt là hơn 1.400 và khoảng 3.500 người. Israel cũng xác nhận Hamas đã bắt cóc ít nhất 155 con tin và đưa họ về Dải Gaza.

Cũng trong ngày hôm qua, các đơn vị quân đội Israel, với sự hỗ trợ của tàu chiến Mỹ, đã tổ chức diễn tập ở biên giới Dải Gaza với nội dung "làm tan rã một nhóm vũ trang". Các cuộc không kích của Israel trong hơn một tuần qua vẫn chưa thể ngăn được Hamas tiếp tục phóng tên lửa từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel.

  Khói bốc lên từ vụ nổ do cuộc không kích của Israel ở biên giới giữa Ai Cập và Rafah ở Dải Gaza. Ảnh AP

Khói bốc lên từ vụ nổ do cuộc không kích của Israel ở biên giới giữa Ai Cập và Rafah ở Dải Gaza. Ảnh AP

Trang tin Firstpost (Ấn Độ) nhận định, trong cuộc chiến này, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là ngành công nghiệp quốc phòng. Xung đột có thể dẫn đến sự gia tăng chi tiêu quốc phòng. Xung đột càng kéo dài và gay gắt thì nhu cầu càng lớn. Những bên đang tham gia xung đột rõ ràng sẽ chi nhiều tiền hơn cho công nghệ vũ khí.

Nhu cầu tăng cao này giúp ích cho các công ty quốc phòng trên toàn cầu và điều đó khiến cổ phiếu của họ tăng giá. Lấy cổ phiếu của các công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ làm ví dụ. Họ đã tăng thêm 23 tỷ USD giá trị thị trường kể từ khi xung đột Israel - Hamas bắt đầu. Vào hôm 9/10, cổ phiếu của Northrop Grumman đã tăng 12%, General Dynamics tăng 9%, Lockheed Martin tăng 8% và RTX tăng 4%, và những con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Lockheed Martin sản xuất máy bay chiến đấu F-35 đang được quân đội Israel sử dụng; họ cũng chế tạo máy bay trực thăng Black Hawk. Northrop Grumman sản xuất xe chiến đấu bộ binh. Israel sử dụng tất cả những loại vũ khí này và sẽ cần nhiều hơn nữa trong tương lai. Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí tới Israel trong những ngày tới, vì vậy cổ phiếu của các công ty này dự kiến sẽ tăng.

Theo Firstpost, hiện tượng này không phải là lần đầu tiên xảy ra. Năm ngoái, cổ phiếu quốc phòng cũng đã tăng mạnh khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã chi hơn 40 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, vì vậy đối tượng được hưởng lợi lớn nhất là ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và điều đó rất có thể sẽ lặp lại đối với cuộc xung đột Israel - Hamas.

Trang Firstpost nhận định, đây là một trong những thực tế khắc nghiệt nhất của chiến tranh. Đối với một số người, chiến tranh phải trả giá bằng mạng sống, nhưng đối với những người khác, chiến tranh mang lại lợi ích. Đối với các công ty quốc phòng, chiến tranh đóng vai trò kích thích tăng trưởng, thúc đẩy doanh số bán hàng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và đôi khi còn thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Theo trang Firstpost, điều này đặt ra những câu hỏi về đạo đức và luân lý như: liệu điều này có phải là hưởng lợi trên sự đau khổ của người khác hay không? Quan trọng hơn: đây có phải là động cơ để kéo dài xung đột? Thêm vào đó, nhà đầu tư còn có một vấn đề nan giải: cổ phiếu quốc phòng thường được gọi là cổ phiếu tội lỗi hoặc khoản đầu tư gây chiến.

Nhưng trên thực tế, những vấn đề đó không quan trọng, cổ phiếu của các công ty quốc phòng tăng giá ồ ạt trong thời kỳ chiến tranh và điều đó khiến chúng trở nên rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Theo Firstpost, hiện tại, thế giới đang phải đối mặt với hai cuộc chiến: xung đột Nga - Ukraine và bây giờ là xung đột Israel - Hamas. Và chi tiêu quốc phòng trên thế giới đã tăng lên trong năm nay.

Châu Âu đã tăng chi tiêu quốc phòng lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Các quốc gia châu Á cũng tăng cường chi tiêu quốc phòng: ngân sách quốc phòng của Nhật Bản và Hàn Quốc tăng 7% vào năm 2022; ngân sách quốc phòng của Ấn Độ là 81,4 tỷ USD vào năm 2022, tăng 6% so với năm 2021.

Hiện tại, chi tiêu quốc phòng toàn cầu ở mức 2,24 nghìn tỷ USD, chiếm 2,2% GDP thế giới. Trang Firstpost nhận định, rất có thể con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hữu Hiển

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật