Từ ngày 16/8, Bộ Y tế phối hợp TP.HCM triển khai chương trình trình chăm sóc tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 ngoại trú. Trong đó, ngành y tế sẽ sử dụng thuốc Molnupiravir.
Molnupiravir (còn được gọi là MK-4482) vốn là thuốc phòng ngừa và điều trị virus cúm SARS-CoV, MERS vào đầu những năm 2000, theo Forbes. Loại thuốc này từng được chứng minh chống lại nhiều virus sử dụng RNA để sao chép. Hiện tại, Molnupiravir do Ridgeback phối hợp cùng hãng dược Merck (Đức) tiếp tục phát triển.
Molnupiravir chữa các bệnh trên bằng cách ức chế sự sao chép của virus, khiến chúng không thể nhân lên và đào thải nhanh, giúp người mắc sớm hồi phục, đđược các nhà nghiên cứu của Đại học Emory phối hợp Công ty Công nghệ Sinh học Ridgeback Biotherapeutics (Mỹ) phát triển từ năm 2019. Molnupiravir đã hoàn tất hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các giai đoạn thử nghiệm đều có kết quả khả quan.
Theo Medical News, kết quả xuất bản trên nền tảng medRxiv giai đoạn tiền lâm sàng cho thấy hoạt tính kháng virus phổ rộng của thuốc chống lại một số virus corona, trong đó có nCoV. Ridgeback công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 cho thấy tỷ lệ tử vong, nhập viện ở nhóm sử dụng thuốc Molnupiravir thấp.
Sau 5 ngày điều trị, các xét nghiệm phát hiện tải lượng virus rất thấp trong nhóm được dùng thuốc được kết luận những người này không còn khả năng lây nhiễm nCoV. Sau 3 ngày điều trị, người nhận 800 mg Molnupiravir có kết quả kháng virus nhiều nhất.
Ở giai đoạn 2a, các nghiên cứu đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và hiệu quả kháng virus của Molnupiravir trong điều trị Covid-19. Sau 5 ngày dùng thuốc ở nhóm liều 400 hoặc 800 mg, quá trình phân lập, nhân đôi của virus bị ức chế hoàn toàn. 100% bệnh nhân sử dụng một trong hai liều thuốc này không còn khả năng lây truyền virus.
Molnupiravir gây ra rất ít tác dụng phụ. Tỷ lệ tác dụng phụ gặp phải thấp nhất ở nhóm sử dụng 800 mg.
Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2a, Molnupiravir được đáp ứng tốt, chứng minh hiệu quả kháng virus mạnh, làm giảm đáng kể nồng độ enzyme polymerase RNA của SARS-CoV-2 so với người được điều trị bằng giả dược.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với 1.850 bệnh nhân trên toàn cầu sử dụng thuốc Molnupiravir sắp hoàn tất. Pha 3 sẽ đánh giá kết quả của việc sử dụng 800 mg Molnupiravir 2 lần/ngày, trên các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình.
Từ tháng 3, Ridgeback và Merck hợp tác với một số hãng dược Ấn Độ để mở rộng quy mô thử nghiệm, sản xuất thuốc. Nếu thành công, Merck sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp và đưa ra thị trường loại thuốc này trong 4-5 tháng tới.
Molnupiravir thuộc nhóm thuốc kháng virus mang tên “chất ức chế polymerase”, hoạt động bằng cách tấn công vào một loại enzym mà virus dùng để sao chép vật liệu di truyền rồi đưa vào đó các đột biến khiến virus không thể tái tạo. Kháng thể tấn công protein bề mặt của virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa. Do đó, thuốc kháng virus được trông đợi sẽ chống lại được nhiều biến chủng hơn.
Hiện tại, Remdesivir là thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên và duy nhất được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Tuy nhiên, loại thuốc này cần phải tiêm, truyền qua tĩnh mạch, chỉ sử dụng cho các F0 diễn biến nặng, chưa can thiệp ECMO, thở máy xâm nhập. Trong khi đó, các kháng thể đơn dòng khác như thuốc ức chế virus IL6 hiệu quả với người mắc Covid-19 giai đoạn nặng, nguy kịch nhưng chi phí khá đắt đỏ.
Nếu được phê duyệt, Molnupiravir sẽ trở thành phương thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên dưới dạng viên uống
Bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc bằng đường uống, hai liều mỗi ngày và duy trì trong 5 ngày tại nhà. Do đó, thuốc được chỉ định sử dụng cho F0 không triệu chứng, thể nhẹ đến trung bình.
Hỗn hợp thuốc kháng virus Molnupiravir kết hợp cùng thuốc chống viêm baricitinib cho kết quả ức chế mạnh SARS-CoV-2 trong môi trường phòng thí nghiệm. Đại diện nhóm tác giả cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thử nghiệm lâm sàng với Molnupiravir và sự kết hợp thuốc nói trên.