Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày diễn ra tại Jakarta dưới định dạng kết hợp gặp mặt trực tiếp và trực tuyến, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Indonesia - nước hiện giữ chức Chủ tịch G20, đã nhất trí một số điều khoản.
Nhất trí về sự cần thiết quản lý và giám sát tiền kỹ thuật số
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 18/2, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo cho biết Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí về sự cần thiết thiết lập một khuôn khổ quản lý và giám sát các tài sản tiền kỹ thuật số.
Phát biểu họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương (FMCBG) G20 tại Jakarta, ông Perry cho hay đây là một phần của quản lý rủi ro công nghệ và số hóa vốn đang được sử dụng ngày càng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính.
Thống đốc Perry nhấn mạnh: “Sự phát triển của các loại tài sản tiền kỹ thuật số đang diễn ra khá nhanh chóng. Nếu không được giám sát đúng cách, nó có thể dẫn đến bất ổn trên thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu."
Mặt khác, các nước thành viên G20 cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu tác động của các loại đồng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành đối với hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế.
Ông Perry cho biết thêm rằng, để tối ưu hóa các lợi ích của công nghệ và số hóa, G20 cũng nhất trí tiếp tục triển khai Lộ trình G20 về tăng cường hệ thống thanh toán xuyên biên giới được xây dựng trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 Saudi Arabia.
Tiếp đó, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 Italy, một lộ trình cũng đã được vạch ra về cách thức số hóa hệ thống thanh toán tại nhiều quốc gia và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc số hóa hệ thống thanh toán nhằm phục hồi kinh tế và đẩy mạnh các giao dịch một cách dễ dàng, nhanh chóng và rẻ.
Thống đốc BI khẳng định: “Vì lý do đó, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Indonesia sẽ thực hiện các lộ trình khác nhau này nhằm khuyến khích xây dựng một hệ thống thanh toán nhanh chóng, dễ dàng, rẻ, an toàn và đáng tin cậy.”
Cuối cùng, ông Perry bày tỏ hy vọng rằng việc số hóa hệ thống thanh toán có thể giúp tăng cường tài chính bao trùm, đẩy mạnh giao dịch thương mại bán lẻ và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phụ nữ và thanh niên.
Nhất trí triển khai hai trụ cột thuế quốc tế từ năm 2023
Phát biểu họp báo ngày 18/2, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết hai trụ cột chính sách thuế quốc tế - gồm thuế trong lĩnh vực kỹ thuật số và thuế tối thiểu toàn cầu - sẽ có hiệu lực từ năm 2023.
Bộ trưởng Sri Mulyani cho hay Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các quốc gia phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất được cơ chế đánh thuế, đặc biệt là đối với lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.
Cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhấn mạnh rằng thông qua việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu, tất cả các quốc gia sẽ hợp tác để loại bỏ những nỗ lực tiềm ẩn nhằm tránh nộp thuế.
Hội nghị cũng nhất trí triển khai công tác giám sát sau khi hai chính sách thuế này có hiệu lực. Nhiều quốc gia sẽ cần hỗ trợ kỹ thuật, từ xây dựng pháp luật hoặc quy định để thực hiện thỏa thuận này cũng như nâng cao năng lực của cơ quan thuế.
Do vậy, G20 cũng nhất trí hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển. Ngoài ra, G20 cũng sẽ tiến hành các bước như tổ chức hội nghị chuyên đề cấp bộ trưởng nhằm thảo luận về việc nâng cao năng lực và việc thực hiện nhất quán hai trụ cột thuế nói trên.
Cam kết thoát khỏi đại dịch
Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết người đứng đầu ngành tài chính của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết thực thi các chính sách được điều chỉnh kỹ lưỡng khi các nền kinh tế phục hồi và cố gắng thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Thống đốc Perry Warjiyo cho hay các thành viên G20 "cam kết thực thi chính sách tiền tệ thoát khỏi đại dịch được điều chỉnh, lên kế hoạch và thống nhất kỹ lưỡng" nhằm hỗ trợ hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông cho hay "điều quan trọng là sự phục hồi sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể trở lại đà tăng trưởng kinh tế dài hạn, bao gồm cả việc khắc phục hậu quả của đại dịch."
Cuộc họp G20 diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng sự lây lan của biến thể Omicron có thể đe dọa nền kinh tế toàn cầu, vốn đang quay cuồng với sự gián đoạn nguồn cung do đại dịch gây ra.
Một thông cáo G20 đã được thông qua vào tối 18/2 sau khi bị trì hoãn, dường như do bất đồng về cách diễn đạt về rủi ro địa chính trị đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mối quan ngại đang ngày một gia tăng về khả năng Nga tiến hành cuộc xâm lược vào quốc gia Đông Âu này trong bối cảnh quân đội Nga tập trung lực lượng ở biên giới Ukraine.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết các bên tham gia "không thảo luận" về vấn đề Ukraine, nhưng bà kêu gọi cần phải "kiểm soát" các rủi ro địa chính trị để chúng không làm suy yếu các nỗ lực phục hồi kinh tế./.