Ở Iraq, huyết tương được bán đầy rẫy ở thị trường chợ đen dù hệ thống y tế của nước này đang trên bờ vực sụp đổ sau khi ghi nhận hơn 50 nghìn ca nhiễm trong ngày 2/7. Iraq hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 tại Trung Đông, bên cạnh Saudi Arabia và Iran.
Một túi huyết tương có giá 2.000 USD và nhiều người sẵn sàng trả nhiều hơn để cứu mạng sống của người thân.
Sau khi Bộ Y tế thông báo hiệu quả của việc sử dụng huyết tương, nhiều gia đình bệnh nhân đã đổ xô đi mua huyết tương bằng mọi giá. Nhu cầu huyết tương từ các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục đang tăng mạnh.
Không giống những người mua, những người sẵn sàng bán huyết tương thường sống trong nghèo đói, vì vậy họ chọn cách bán huyết tương thông qua các nhà môi giới để tránh hậu quả xã hội và pháp lý.
Theo bác sỹ Hamid Saadi thuộc Trung tâm truyền máu quốc gia Iraq ở Baghdad cho biết, đây là một vấn đề nghiêm trọng và đang được Bộ Y tế nỗ lực đẩy lùi. Chuyên gia này cũng cảnh báo về các nguy cơ tiềm tàng của việc mua bán huyết tương, vì khó có thể đảm bảo trong các túi huyết tương không có virus HIV hay các loại virus khác. Người mua sẽ không bao giờ biết được rằng liệu các túi huyết tương đó có được bảo quản đúng cách hay không.
Bác sỹ Hamid Saadi kêu gọi các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã phục hồi nên tình nguyện hiến huyết tương để giúp đỡ những người khác. Số người hiến hiện tại mới chỉ vài trăm, trong khi số ca đã hồi phục đã lên tới 27.912 người trong ngày 2/7.