Trong cơn bão lây nhiễm và lượng người chết gia tăng tại Ý, một cộng đồng 50.000 người gốc Hoa sinh sống tại Prato trở thành điểm sáng đối với giới chức y tế khi không bị bất kì tác động nào của đại dịch Covid-19.
Hai tháng trước, những người gốc Hoa sống tại đây trở thành những đối tượng phải chịu nhiều sự kỳ thị và tấn công bởi người dân khi bị cho rằng họ đem virus tới Ý.
Thế nhưng giờ đây, tại thị trấn Tuscan của thành phố Prato này, nơi sinh sống của một cộng đồng người gốc Hoa lớn nhất tại Ý lại trở thành một hình mẫu cho phong trào chống dịch.
“Chúng tôi, những người dân Ý sợ rằng họ chính là vấn đề nhưng ngược lại, họ đã làm tốt hơn chúng tôi rất nhiều. Thậm chí không có một ca lây nhiễm Covid nào trong cộng đồng người dân ở đây”, một quan chức y tế hàng đầu trong khu vực cho biết.
Doanh nhân Luca Zhou, 56 tuổi, đeo khẩu trang trên con đường tại Prato, nơi sinh sống của cộng đồng người gốc Hoa lớn nhất tại Ý (Ảnh: Maurizio Ciampolini/Handout via Reuters). |
Hiện tại, dịch Covid-19 đã khiến gần 12.000 người dân thiệt mạng tại Ý, khiến nước này trở thành quốc gia có số người chết vì đại dịch lớn nhất thế giới. Cộng đồng người gốc Hoa chiếm một phần tư dân số Prato, và đã giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh của thị trấn này xuống gần một nửa mức trung bình của nước Ý (62 ca trên 100.000 người dân so với con số 115 trên cả nước).
Cộng đồng người gốc Hoa tại Prato đã tự phong tỏa từ cuối tháng một, ba tuần trước khi Ý ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Sau khi trở về từ tâm dịch Trung Quốc sau kỳ nghỉ năm mới, nhiều người trong số họ hiểu được mức nguy hiểm và lan truyền thông điệp: hãy ở nhà.
Trong khi người dân Ý tới các khu trượt tuyết, tụ tập tại các quán café hay quán bar thì họ dường như biến mất trên đường phố, nhiều hàng quán tại đây đóng cửa hay bỏ hoang. Một chủ nhà hàng ở Milan, ông Francesco Wu đã thúc giục các đồng nghiệp Ý cũng đóng cửa ngay cửa hàng từ tháng 2
“Họ nhìn tôi như một kẻ khùng. Không ai có thể ngờ dịch bệnh có thể bùng nổ ở đây… Và giờ “thành Troy” gục ngã và tất cả chúng tôi đều bị khóa bên trong”.
Luca Zhou, một doanh nhân gốc Hoa xuất khẩu rượu tới Trung Quốc đã tự động cách ly trong phòng ngủ 14 ngày ngay sau khi trở về từ Trung Quốc, tách biệt hoàn toàn với vợ và con.
“Chúng tôi đã chứng kiến những gì đã diễn ra tại Trung Quốc, và thấy lo lắng cho bản thân, cho gia đình, và bạn bè chúng tôi”, một người đàn ông 56 tuổi này tâm sự.
Sau khi cách ly hoàn thành, ông ra phố mua khẩu trang và găng tay, và thấy một vài người Trung Quốc khác cũng đeo chúng trên đường, lo lắng để không lan virus cho cộng đồng.
“Những bạn bè người Ý nhìn tôi như kẻ lập dị. Tôi cố gắng giải thích cho họ lý do nên đeo chúng…nhưng họ đã không hiểu. Chúng tôi đều phải tự thân, chính quyền Ý không chia sẻ bất cứ điều gì. Chúng tôi lo rằng nếu không làm như vậy, tất cả chúng tôi đều nhiễm bệnh”.
Ý là một trong những quốc gia đầu tiên cắt kết nối hàng không với Trung Quốc hồi 31/1, dù vậy rất nhiều người dân Trung Quốc tại đây tìm cách trở về qua một quốc gia trung gian. Vào ngày 8/2, gần một tháng trước khi đóng cửa các trường học, chính quyền cho phép học sinh trở về từ Trung Quốc không phải đến trường.
Khi đó, đã có hơn 360 gia đình, khoảng 1.300 người đã đăng ký với chính quyền địa phương để lựa chọn phương án cách ly, đồng thời đăng ký giới y tế giám sát các triệu chứng của họ từ xa.
“Tôi thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề và cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm phải làm vậy vì cộng đồng và cũng vì những người thân quanh tôi”, một cô gái 23 tuổi chia sẻ khi tự cách ly tại nhà sau khi trở về từ Trung Quốc.