Sản lượng của nền kinh tế Vương quốc Anh trong năm 2020 đã giảm 9,9% so với năm trước, mức giảm lớn nhất trong vòng hơn 300 năm và lớn hơn hai lần so với mức suy giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính, theo TTXVN.
Theo số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố, sản lượng kinh tế của Anh trong quý IV/2020 đã tăng 1% so với quý trước, cao hơn mức dự báo 0,5% của các nhà kinh tế do Reuters thăm dò.
Tuy nhiên, sản lượng kinh tế của Anh trong quý cuối cùng của năm 2020 vẫn thấp hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2019 và tính chung cả năm 2020, tổng sản lượng của nền kinh tế Anh thấp hơn 9,9% so với năm 2019 – mức giảm lớn nhất kể từ cuộc "đại băng giá" năm 1709 và cao hơn mức giảm 9,7% của năm 1921, khi nền kinh tế thế giới bị vùi dập bởi suy thoái sau Chiến tranh Thế giới lần thứ I.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết: “Các số liệu hôm nay cho thấy nền kinh tế đã trải qua một cú sốc nghiêm trọng do hậu quả của đại dịch, điều mà các nước trên thế giới đều cảm nhận được”.
Anh đã báo cáo số người chết cao nhất châu Âu do COVID-19 và là một trong những quốc gia cao nhất thế giới về số ca tử vong trên đầu người.
Theo Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), đại dịch COVID-19 và các biện pháp đối phó để kiềm chế sự lây lan đã tác động lớn đối với nền kinh tế Anh nói riêng và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới nói chung. Các hoạt động kinh tế đã sụt giảm nhanh kể từ đầu năm 2020 đến nay và kéo theo nạn thất nghiệp tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, các hộ gia đình tại Anh đã bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế này với một "thế” vững mạnh hơn so thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 cùng với những chính sách hỗ trợ hộ gia đình quyết liệt từ Chính phủ.
Dù vậy, cuộc suy thoái kinh tế lần này về mức độ vẫn trầm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự sụt giảm của nền kinh tế lần này sẽ gây áp lực lớn về tài chính cho các hộ gia đình Anh.
Bất chấp những lời cảnh báo nghiêm trọng về việc không đưa ra những biện pháp kích thích mới, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết, các biện pháp mạnh mẽ công bố vào tháng 3 với việc chi 200 tỷ bảng Anh vào trái phiếu Chính phủ vẫn chưa hết và Ngân hàng này đã cam kết rõ ràng rằng, "sẽ làm bất cứ việc gì cần phải làm để hỗ trợ nền kinh tế phù hợp với mục tiêu lạm phát".
Ông Andrew Bailey cũng cảnh báo, các ngân hàng không nên hạn chế cho vay trong bối cảnh nền kinh tế sụt giảm 14%. Việc hạn chế cho vay sẽ tạo ra vòng xoáy nguy hiểm với các vụ phá sản và những khoản vay nợ lớn, từ đó sẽ ảnh hướng đến chính các ngân hàng.
"Do vậy, cách tốt nhất là các ngân hàng cứ tiếp tục cho vay... Nếu hệ thống ngân hàng đảm bảo cung cấp đủ vốn cho vay chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn”, ôngAndrew Bailey nhấn mạnh
Đáp lại ý kiến trên, các ngân hàng thương mại của Anh đều cam kết tiếp tục cho vay vốn trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, BoE vẫn thận trọng cảnh báo, ngay cả khi các ngân hàng thương mại cho cho vay đủ đi chăng nữa thì nền kinh tế Anh vẫn hứng chịu tác động lớn. Chi tiêu của các hộ gia đình đã giảm 30% từ tháng 3. BoE dự đoán, tỉ lệ lạm phát sẽ xuống mức 0,5% vào năm 2021 và 2% vào năm 2022.