Chính sách ngoại giao “Chiến Lang” - hàng loạt lời đe dọa ầm ĩ mà Bắc Kinh đã sử dụng để bắt các quốc gia khác phục tùng mệnh lệnh của mình - đã không xuất hiện. Thay vào đó, trọng tâm trong bài phát biểu kéo dài 90 phút của Lý Khắc Cường lại giống như diễn văn của một nhà hoạch định chính sách kinh tế tận tụy.
Thủ tướng Trung Quốc đã liệt ra một danh sách hàng loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, cải cách bảo hiểm y tế và thất nghiệp, và hỗ trợ cho một nền kinh tế tự do.
Lý do đối với sự tập trung của ông Lý Khắc Cường là khá rõ ràng. Trung Quốc có thể là quốc gia đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 (vì họ là nước đầu tiên rơi vào cuộc khủng hoảng này), song nền kinh tế của họ đã phải hứng chịu một sự sụt giảm khủng khiếp suốt một thời gian dài, khiến tỉ lệ thất nghiệp rơi vào khoảng 20%.
Ông Lý Khắc Cường. |
Cuộc họp báo thường niên của thủ tướng, được tổ chức vào cuối kỳ họp “Lưỡng hội” thường niên của Quốc hội Trung Quốc, là sự kiện được dư luận cả trong và ngoài nước theo dõi sát sao.
Đã không có bất cứ câu hỏi nào về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ hay các trại cải tạo ở Tân Cương, các cuộc xung đột biên giới mới đây giữa Trung Quốc với Ấn Độ, cuộc chiến thương mại với Australia hay vụ bắt giữ một nhà điều hành của Huawei tại Canada, những vấn đề mà chính phủ không muốn công khai.
Tương tự, những chất vấn về kinh tế, nguồn gốc của COVID-19 ở Vũ Hán, mối quan hệ xuống cấp với Washington, và luật an ninh mới áp dụng cho Hong Kong đều là những quả bóng mềm đối với Lý Khắc Cường - trên thực tế là người được Tập Cận Bình ủy quyền.
Tuy nhiên, ngay cả khi các câu hỏi từ các phóng viên trong và ngoài nước bị chính phủ “dọn dẹp” từ trước đó, thì đây vẫn là sự kiện thường niên duy nhất mà một lãnh đạo hàng đầu phải xuất hiện lâu trước công chúng và báo cáo về tình hình của chính phủ. Và như vậy, sự tập trung vào kinh tế rất đáng chú ý. Hàng chục, thậm chí có thể là hàng trăm triệu người đã mất việc làm.
Những người vẫn còn giữ được việc làm thì bị giảm thu nhập đáng kể, khiến tiêu thụ cũng giảm sút. Trong bối cảnh Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng rơi vào suy thoái nặng nề, thì hàng xuất khẩu cũng không thể tránh khỏi tình trạng ế ẩm.
Tuy nhiên, Bắc Kinh chắc chắn đã không lơ là với những tham vọng khu vực và toàn cầu của mình trong giai đoạn COVID-19 và sau đó, khi mà cả các cuộc tuần tra của hải quân ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) và các chuyến bay của không quân xung quanh Đài Loan vẫn tiếp diễn. Còn tại Hong Kong, vấn đề đau đầu nhất của Trung Quốc, những người ủng hộ dân chủ của thành phố này đang bị đảng theo dõi sát sao.
Với việc Quốc hội thông qua luật an ninh quốc gia mới hồi tuần trước, Trung Quốc đang đánh một ván cược lớn rằng họ có thể trấn áp những kẻ bất đồng chính kiến tại thành phố thuộc địa cũ của Anh mà không cần phải hủy hoại vai trò then chốt của nó là một trung tâm tài chính.
Đề xuất của Anh rằng họ có thể mở đường cho các công dân Hong Kong có hộ chiếu Anh muốn rời khỏi vùng lãnh thổ này đáng khiến Bắc Kinh “đồng ý” một cách mỉa mai. Tờ Thời báo Hoàn cầu viết: “Động thái của Anh đã dành được sự ủng hộ áp đảo của các cư dân mạng ở Trung Quốc. Họ nói tất cả những kẻ phản bội nên bị đưa đến Anh vì không được chào đón ở lãnh thổ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, không một ai ở Hong Kong cho rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc nhanh như vậy, đặc biệt là kế hoạch của Bắc Kinh về việc tiếp quản kệ thống chính trị của thành phố này, cũng như sự phản đối với kế hoạch đó, tất cả đều quá phức tạp.
Martin Lee, một luật sư biện hộ và là lãnh đạo phe ủng hộ dân chủ kỳ cựu, nói: “Họ sẽ điều các cán bộ cấp thấp từ Đảng Cộng sản Trung Quốc đến giám sát chính quyền, ban quản trị, cơ quan lập pháp, và quan trọng hơn là hệ thống tư pháp. Đây mới chỉ là khởi đầu!”.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng leo thang, đặc biệt sau vụ Mỹ rút quy chế đặc biệt của Hong Kong. |
Trong cuộc họp báo của mình, Lý Khắc Cường chỉ đưa ra những lời tẻ nhạt về mối quan hệ với Mỹ, song cũng nói những lời đủ để khẳng định rằng mối quan hệ song phương giữa hai siêu cường, trong đó một bên thì đang trỗi dậy, một bên thì suy thoái, sẽ không sớm tiến triển tích cực.
Hiện không có con đường phụ nào dành cho cả Mỹ và Trung Quốc, và rõ ràng là cả hai nước đều không tìm kiếm con đường như thế. Washington cảm thấy đang chơi trò tăng cường sức ép với Bắc Kinh, còn Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình chưa có kế hoạch cho một bước đi nhượng bộ nào.
Khả năng là sự suy yếu của nền kinh tế cả hai quốc gia có thể xoa dịu những lập trường cứng rắn của họ trong năm nay, bởi không bên nào muốn gây tổn hại thêm cho sự tăng trưởng kinh tế vốn đã bị hủy hoại vì COVID-19.
Tuy nhiên, Donald Trump cũng muốn áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới lên Trung Quốc vào bất cứ thời điểm nào trong bối cảnh chiến dịch tranh cử đang nóng lên, qua đó củng cố tuyên bố của Trump rằng ông là người duy nhất cứng rắn với Trung Quốc và rằng Joe Biden, khả năng là đối thủ của ông bên phía đảng Dân chủ, ngược lại sẽ yếu ớt hơn. Bắc Kinh chắc chắn sẽ đáp trả bất cứ đòn trừng phạt kinh tế nào của Trump. Tính toán của họ sẽ thay đổi ra sao trong một năm bầu cử như thế này hiện vẫn là một câu hỏi mở.
Một chi tiết đáng lưu ý rút ra từ lần xuất hiện trước truyền thông của ông Lý Khắc Cường là sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của lĩnh vực tư nhân đối với sự khôi phục kinh tế của Trung Quốc.
Sự ủng hộ của Tập Cận Bình đối với lĩnh vực công, và những lời nói đãi môi của ông với lĩnh vực tư, vốn đang dẫn dắt sự tăng trưởng và việc làm của Trung Quốc, đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước trở nên thờ ơ. Một số lãnh đạo doanh nghiệp giàu có từng “va chạm” Tập Cận Bình đều đã bị bắt giam.
Tuy nhiên, Lý Khắc Cường, người bị Tập Cận Bình làm cho lu mờ ở nhiệm sở, lại áp dụng một đường lối khác, dù vẫn chưa biết sự ủng hộ dành cho lĩnh vực tư liệu có được duy trì trong một bầu không khí chính trị khắc nghiệt hay không. Tập Cận Bình sẽ không khoan dung với bất kỳ kẻ thù nào, đặc biệt là dưới hình thức của những doanh nghiệp giàu có.
(Nguồn: TTXVN/The Guardian)