Tokopedia là công ty công nghệ Indonesia chuyên về thương mại điện tử , được thành lập vào năm 2009 bởi William Tanuwijaya và Leontinus Alpha Edison. Tên của công ty bắt nguồn từ việc kết hợp “toko”, trong tiếng Indonesia, có nghĩa là "cửa hàng", với "bách khoa toàn thư”.
Kỳ lân 7 tỷ USD
Những người sáng lập Tokopedia đều người sinh ra và lớn lên tại các thành phố nhỏ ở Indonesia, nên họ cùng mong muốn rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo và trình độ phát triển của đảo quốc. Và sứ mệnh họ đặt ra là dân chủ hóa thương mại thông qua công nghệ.
Bắt đầu với sàn thương mại, Tokopedia hiện đã phát triển thành một công ty công nghệ với lĩnh vực kinh doanh trải dài từ thương mại, fintech, thanh toán, giao vận, dịch vụ hỗ trợ nguồn cung và hoàn tất đơn hàng bán lẻ .
Vào năm 2019, theo một báo cáo của iPrice Group, Tokopedia là trang web thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất trên máy tính để bàn ở Indonesia trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, với tổng số lượt truy cập trung bình hàng tháng là 65.953.400, chiếm 25% tổng thị phần.
Năm 2009, Tokopedia đã nhận được tài trợ hạt giống ban đầu từ Indonusa Dwitama trị giá 3,9 tỷ đồng. Trong những năm tiếp theo, Tokopedia đã thu hút vốn đầu tư mạo hiểm ở phạm vị toàn cầu, bao gồm các tên tuổi như East Ventures, CyberAgent Ventures, NetPrice và SoftBank Ventures Korea.
Vào tháng 10/2014, Tokopedia đã làm nên lịch sử, với tư cách là công ty công nghệ đầu tiên ở Đông Nam Á nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD (khoảng 1.872 tỷ đồng) từ Sequoia Capital và SoftBank Internet and Media Inc (SIMI). Đến tháng 4/2016, Tokopedia đã huy động thêm được 147 triệu USD.
Gây sốc hơn là vào năm 2017, Tokopedia nhận được khoản đầu tư 1,1 tỷ USD từ gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Lịch sử tái diễn một lần nữa vào năm 2018, công ty này có được vòng tài trợ 1,1 tỷ USD do Alibaba và Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản dẫn đầu.
Tokopedia đang là kỳ lân công nghệ lớn thứ 3 tại Indonesia. Ảnh: Tech In Asia |
Sau hơn 10 năm hoạt động, cùng với hãng gọi xe Gojek, Tokopedia là kỳ lân của Indonesia. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đứng ngang hàng kỳ lân với công ty dịch vụ du lịch Traveloka, thương mại điện tử Bukalapak và công ty fintech OVO.
Theo thống kê của CB Insights, tính đến tháng 6/2020, Tokopedia được định giá 7 tỷ USD, và là kỳ lân lớn thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Grab của Singapore và Gojek của Indonesia.
Tham vọng “làm sống lại” cửa hàng tạp hoá
Dù có nhiều danh mục kinh doanh và nổi lên từ thương mại điện tử, nhưng Tokopedia lại thật sự thành công, trong đó có việc hút được 1,1 tỷ USD đầu tư, là nhờ “làm sống lại” một ngành kinh doanh truyền thống - các tiệm tạp hoá.
Năm 2018, Tokopedia cho ra mắt ứng dụng Mitra Tokopedia, trong thời gian ngắn đã được tải xuống hơn một triệu lần. Ứng dụng này có nhiệm vụ giúp cho chủ sở hữu của warung, một dạng cửa tiệm tạp hóa nhỏ ngoài trời, thường phục vụ cho một khu phố duy nhất, kinh doanh thuận tiện hơn.
Indonesia đang có 2 triệu cửa hàng tạp hoá warung. Ảnh: Nestia |
Ứng dụng mang lại cho chủ sở hữu warung hai lợi thế lớn. Khi đặt hàng cho warung trên Mitra Tokopedia, họ sẽ được giao hàng với giá thấp hơn so với giá của các nhà phân phối địa phương. Các tiệm tạp hoá cũng sẽ là nơi cung cấp các sản phẩm của Tokopedia cho khách hàng, đặc biệt là những người quá nghèo, không thể mua điện thoại thông minh hoặc chi trả dịch vụ Internet.
Đây là kế hoạch đầy tham vọng nhằm thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á của Tokopedia. Hiện có khoảng 2 triệu warung trên toàn Indonesia.
Chính ông Agung Nugroho, CEO ứng dụng GrabKios by Kudo, một ứng dụng tương tự, nhận định: “Tại Indonesia, thương mại điện tử hiện mới chỉ chiếm dưới 4% tổng doanh số bán lẻ, 96% còn lại vẫn nằm trong tay lĩnh vực bán hàng truyền thống. Bởi vậy, chúng tôi tin rằng kết nối với mạng lưới đại lý là mô hình hiệu quả nhất để nắm bắt thị trường này”.
Mitra Tokopedia giúp các chủ tạp hoá kinh doanh thuận tiện hơn. Ảnh: Tokopedia |
Trợ lý Phó Chủ tịch Adi Putra cho biết: "Sự nhiệt tình của người dùng Mitra Tokopedia cũng tiếp tục tăng theo thời gian. Tính đến tháng 6/2020, ứng dụng này đã được hàng triệu doanh nghiệp truyền thống sử dụng, để phục vụ hàng chục triệu người tại hơn 500 thành phố trên khắp Indonesia”.
2 triệu chủ tiệm sử dụng Tokopedia
Không chỉ dừng lại ở việc “công nghệ hoá” các hoạt động kinh doanh của các cửa hàng tạp hoá truyền thống, Tokopedia đang hướng tới việc khai thác nhiều hơn nguồn thu từ mạng lưới 2 triệu tiệm tạp hoá khắp cả nước.
Với lời quảng bá “đại dịch mở ra cơ hội lớn cho các chủ thể kinh doanh truyền thống tăng thu nhập”, Tokopedia gần đây còn phát triển thêm ứng dụng Tokopedia Partner. Ứng dụng giúp các chủ cửa hàng nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa và các doanh nghiệp tương tự có thể trở thành điểm thanh toán để mua sắm trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Tokopedia, đồng thời kiếm thêm thu nhập từ mỗi giao dịch thanh toán.
“Gần đây chúng tôi đã ra mắt tính năng thanh toán Tokopedia Bill trong ứng dụng Tokopedia Mitra. Các nhà bán lẻ truyền thống tận dụng tính năng này có thể biến cửa hàng hoặc cửa hàng của họ thành điểm thanh toán Tokopedia cho các nhu cầu khác nhau của cộng đồng”, ông Adi cho biết.
Ngoài ra, thông qua ứng dụng Mitra Tokopedia, các chủ thể kinh doanh truyền thống cũng có thể tăng thu nhập, bằng cách thu hoa hồng từ việc bán gói dữ liệu di động, thẻ chơi game, thanh toán hóa đơn điện, nước và nhiều thứ khác mà các tiệm tạp hoá truyền thống khó thể tự phân phối.
Tokopedia đang phủ sóng hầu hết hệ thống bán lẻ tạp hoá dạng wurang khắp cả nước. Ảnh: Selular |
Phó Giám đốc Truyền thông Nuraini Razak, cho biết từ đầu năm đến nay, nền tảng này đã tăng từ 1,8 triệu lên 2 triệu người bán. Con số này đồng nghĩa với việc, về cơ bản, Mitra Tokopedia gần như tiếp cận hoàn toàn hệ thống cửa hàng tạp hoá trên khắp Indonesia.
Sự xâm nhập của công nghệ vào lĩnh vực truyền thống không chỉ giúp riêng kỳ lân này thắng lớn mà còn kéo nền kinh tế chung vươn lên.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Khoa học Xã hội của trường Đại học Universitas Indonesia, Tokopedia đã đóng góp vào hơn 1% GDP nền kinh tế Indonesia và tạo ra 10,3% tổng số cơ hội việc làm mới.