Sinh năm 1950, Li Edelkoort được coi là một trong những chuyên gia dự đoán xu hướng (trend forecaster) có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. Dưới đây là bản dịch của Đỗ Hữu Chí từ bài phỏng vấn Li Edelkoort trên Dezeen ngày 9/3/2020, thực hiện bởi Marcus Fairs của tạp chí Dezeen (là một trong những tạp chí chuyên về kiến trúc, nội thất, thiết kế hàng đầu thế giới hiện nay), được bà trả lời qua email từ Nam Phi - nơi bà đang tự cách ly vì ảnh hưởng của coronavirus. Các phần in đậm là nhấn mạnh của người dịch.
Ảnh của Koen Hauser |
Marcus Fairs (MF): Theo bà coronavirus sẽ tạo ra những ảnh hưởng gì?
Li Edelkoort (LE): Ảnh hưởng của coronavirus sẽ rất đa tầng và phức tạp, từ việc mất lòng tin hay yên lòng trở lại, đến các nhận thức cấp tiến về những tác động lên đời sống của chúng ta, đến nỗi sợ hãi kỳ quặc trước những kịch bản có thể xảy ra, đến việc thực hiện các giải pháp cách ly cá thể trong xã hội và việc cách ly các văn phòng, phân xưởng và khu nghỉ.
Khó mà tính toán được khi mà các con số cứ nhảy liên tục trong một thời gian quá ngắn, nên sự mất lòng tin sẽ tiếp tục diễn ra. Bây giờ chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Ý đang thực hiện các biện pháp mà các quốc gia khác rồi sẽ phải làm theo.
Bất kỳ ai đang lên kế hoạch cho các sự kiện công cộng trong vài tháng tới nên bắt đầu ngừng lại và đi tìm các giải pháp mới cho giao tiếp và truyền thông. Đây có thể là tin buồn cho những bạn trẻ đang sắp tốt nghiệp vì họ có thể sẽ phải tung mũ tốt nghiệp của mình lên trần nhà.
MF: Bà đã nói với tạp chí Quartz rằng: “Tôi nghĩ chúng ta nên biết ơn con virus này vì nó có thể giúp chúng ta sống sót với tư cách một loài.” Bà có vẫn giữ quan điểm ấy không và ý của bà là gì khi phát biểu nó?
LE: Bài trên Quartz được lấy từ một cuộc phỏng vấn ngắn bên lề hội thảo Design Indaba và virus lúc đó không phải là chủ đề chính, nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình.
Với tư cách là mục tiêu chính của loài virus này, bởi tuổi tác của tôi và bởi tiền sử bệnh về hô hấp, tôi ý thức được sự nguy hiểm và mối đe dọa ngay trước mắt mà nó đang gây ra cho con người trên khắp thế giới. Và tôi rất lấy làm tiếc cho những gia đình đã có người thân mất đi bởi dịch bệnh mới này. Hy vọng rằng, mạng sống của họ đã không phí hoài khi cả thế giới đang nỗ lực để phục hồi lương tri của con người và tiếp tục tồn tại.
Đại dịch này sẽ buộc chúng ta phải chậm lại, ngưng các chuyến bay, làm việc tại nhà, chỉ giải trí giữa bạn bè thân và gia đình, học cách tự cảm thấy đủ đầy và tỉnh thức. Bỗng nhiên các sô thời trang trông thật kỳ quặc và xa lạ, các quảng cáo du lịch lọt vào máy tính của chúng ta thật xâm phạm và lố bịch, suy nghĩ về những dự án mới thật mờ mịt và lơ lửng: liệu chúng có thực sự quan trọng không? Mỗi ngày mới chúng ta lại nghi ngờ một hệ thống mà chúng ta đã biết từ thuở bé, và chúng ta buộc phải cân nhắc khả năng cáo chung của chúng.
Trong nhiều năm chúng ta đã hiểu rằng để tồn tại với tư cách một loài và để cho hành tinh này tiếp tục vận hành chúng ta phải liên tục tạo ra các thay đổi khốc liệt trong cách mà chúng ta sống, di chuyển, tiêu thụ và giải trí. Không có cách nào chúng ta có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa và lựa chọn theo lối mà chúng ta đã quen thuộc. Lượng thông tin khổng lồ về những thứ hoàn toàn vô nghĩa đã làm tê liệt nền văn hóa của chúng ta. Có một nhận thức đang lớn dần trong các thế hệ trẻ rằng việc sở hữu và tích trữ quần áo và xe cộ đã thậm chí không còn hấp dẫn nữa.
Nhưng bằng cách nào đó tâm trí của con người luôn phản kháng và muốn thử xem mọi thứ có tự tan biến đi không, tiếp tục chờ thời trong khi chúng ta tiếp tục việc làm ăn y như cũ (business as usual). Bởi vậy sự dừng lại đột ngột của tất cả những thứ này (tạo ra bởi con virus) sẽ tước đi quyền ra quyết định khỏi tay chúng ta, và sẽ kéo mọi thứ xuống một nhịp độ chậm hơn, và khá đáng sợ lúc ban đầu. Chúng ta đã không còn quen với việc làm mà không vội, chờ đợi câu trả lời, tìm kiếm các giải pháp và sản xuất trong sân sau nhà mình. Khả năng ứng biến và sáng tạo sẽ là những tài sản quý giá nhất.
Không nhiều người hiểu được điều gì đang xảy ra với thế giới và nền kinh tế của chúng ta hiện nay. Thường thì trong các công ty, có thể lên tới 90 phần trăm lượng hàng hóa là made in China bằng các nguyên liệu chiết xuất từ dầu hỏa như nhựa hoặc polyester. Chúng ta sẽ sớm thấy các kệ hàng hết sạch giày, điện thoại, quần áo, thậm chí kem đánh răng. Chúng ta sẽ thiếu vật tư y tế và sẽ chứng kiến sự ngừng sản xuất của các thể loại quà lưu niệm xấu xí và các túi quà vô dụng.
Chúng ta đã biết rằng quy trình thiết kế cho các sản phẩm thu đông đang không diễn ra như thường lệ. Skype và DHL cũng giúp chút đỉnh nhưng chúng ta vẫn sắp có rất nhiều hàng hóa tầm thường, bởi chúng được làm theo các công thức thành công cũ. Ấy là nếu người ta vẫn còn cái khao khát muốn mua một cái khăn len Cashmere hay là một đồ vật gì đó cho nhà họ.
Lượng xuất khẩu không ngừng sa-ri tổng hợp cho Ấn Độ và đồ gia dụng bằng nhựa cho Châu Phi từ Trung Quốc, vốn sau nhiều năm đã làm đình trệ nghiêm trọng nền kinh tế địa phương và tạo ra một lượng lớn người thất nghiệp (và ô nhiễm), cũng sẽ có thể phải dừng lại, mang tới các khả năng mới cho nền sản xuất địa phương.
Chúng ta sẽ có trong tay một trang giấy trắng cho một khởi đầu mới bởi vì rất nhiều các công ty và tiền sẽ bị xóa sổ trong quá trình hãm phanh này. Tái định hướng và khởi động lại sẽ cần rất nhiều sự thấu suốt và táo bạo để xây dựng một nền kinh tế mới với những giá trị mới, cùng các giải pháp mới cho sản xuất, giao thông, phân phối và bán lẻ.
MF: Những tác động nào mà virus đã kịp gây ra cho ngành thiết kế và thời trang?
LE: Cái giá thực sự của việc đóng cửa ở Ý và Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc và Trung Quốc, sẽ dẫn đến một đợt suy thoái toàn cầu ở mức độ chưa từng có. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính mà là một cuộc khủng hoảng ngừng trệ (a disruption crisis). Người ta dừng việc di chuyển, dừng việc ra ngoài, dừng việc tiêu dùng, dừng đi nghỉ mát, dừng đến các sự kiên văn hóa, thậm chí dừng đến nhà thờ!
Việc hoãn các sự kiện như Tuần lễ Thiết kế Milan (Salone del Mobile), Triển lãm Kiến trúc Venice (Venice Architecture Biennale), cuộc hành hương về thánh địa Mecca của người Hồi Giáo (Hadj), các cuộc cầu nguyện của Giáo Hoàng, và có thể cả Thế vận hội Olympic cùng những sự kiện khác nữa, tự chúng đều là các thảm họa kinh tế; bởi sự dồn tụ của chúng sẽ làm đình trệ việc lưu thông tiền. Mọi khu vực kinh tế đều sẽ rung chuyển, đặc biệt là các nhãn hàng xa xỉ, các hãng hàng không, các dịch vụ nghỉ dưỡng, các loại hàng hóa điện tử và thực phẩm nhập khẩu.
Không may là trong thảm họa này, không có thuốc chữa tức thời. Chúng ta sẽ phải nhặt lên những phần sót lại và tái tạo mọi thứ từ đầu khi chúng ta kiểm soát được con virus. Và đây là chỗ mà tôi thấy có hy vọng: một hệ thống mới tốt hơn, được cài đặt với nhiều sự tôn trọng hơn đối với sức lao động và điều kiện sống của con người. Rốt cuộc, chúng ta sẽ bị buộc phải làm điều mà nhẽ ra chúng ta đã phải làm ngay từ đầu.
MF: Bà nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới?
LE: Ngay bây giờ chúng ta đang chứng kiến việc đóng cửa lần lượt của các quốc gia. Khí hậu ấm hơn của bán cầu Nam có vẻ là một lợi thế nhưng chúng ta vẫn chưa chắc chắn về điều đó. Chúng ta sẽ phải chấp nhận việc sống với ít nhu cầu hơn, ít hàng mới hơn, ít newsletters và pop-ups hơn. Chúng ta sẽ phải bỏ bớt đi các thói quen cũ như thể chúng ta đang cai nghiện vậy. Chẳng hạn như ngưng hẳn việc shopping.
Có vẻ như chúng ta đang bước vào một thời kỳ cách ly tiêu dùng (quarantine of consumption) nơi chúng ta sẽ phải học cách hài lòng với một cái váy giản đơn, tìm lại những sở thích cũ, đọc một cuốn sách ta đã lãng quên hoặc nấu một bữa thịnh soạn để làm cuộc đời đẹp hơn. Virus sẽ gây ảnh hưởng lên văn hóa và mang tính quyết định trong việc xây dựng một thế giới mới hoàn toàn khác biệt.
WF: Bà nghĩ gì về các ảnh hưởng lâu dài đối với xã hội và môi trường?
LE: Những hình ảnh gần đây về khí quyển tại Trung Quốc cho thấy hai tháng ngừng sản xuất đã làm sạch bầu trời và cho phép người dân được hít thở trở lại. Điều này có nghĩa là virus đã chứng minh rằng việc chậm lại và đóng cửa có thể tạo ra một môi trường tốt hơn, vốn chắc chắn có thể nhìn thấy ở quy mô lớn. Nếu chúng ta bao gồm cả việc di chuyển bằng đường thủy và đường hàng không, di chuyển dành cho các kỳ nghỉ và các chuyến công tác, sự làm sạch sẽ rất đáng kể.
Bởi vậy, nếu chúng ta khôn ngoan - vốn, đáng buồn thay, giờ đây chúng ta đã biết là không phải thế - chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu với các luật lệ mới, cho phép các quốc gia trở lại với những giá trị và kỹ năng riêng của mình, mang đến nền công-nghiệp-tại-nhà (cottage industries) vốn sẽ có thể phát triển và nở rộ thành một thế kỷ của nghệ-thuật-và-thủ-công, nơi mà lao động thủ công được tôn vinh hơn tất cả những điều khác.
Việc đóng cửa các cơ sở sản xuất trong vòng hai tháng mỗi năm có thể là một phần của kế hoạch này, cũng như các studio sáng tạo tập thể (collective creative studios) có thể tạo ra ý tưởng cho nhiều nhãn hàng cùng một lúc, mang tới một nền kinh tế giảm hẳn tác động xấu lên môi trường.
Các hoạt động và các ngành công nghiệp địa phương sẽ có đà và các tổ chức lấy con người làm trung tâm sẽ chiếm vị trí chủ đạo, với các hệ thống trao đổi và cởi mở, các khu chợ của nông dân và các sự kiện đường phố, các cuộc thi hát và nhảy múa và óc thẩm mỹ vượt trội của việc tự-làm-lấy (DIY-Do It Yourself). Dự đoán của tôi về Thời kỳ A-ma-tơ (Age of the Amateur) có vẻ như đang tới nhanh hơn tôi tưởng.