Ngày 23/3, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi việc tiếp cận công bằng, giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa COVID-19.
Nghị quyết, được hơn 130 quốc gia tán thành và được đồng thuận tại diễn đàn Geneva, khẳng định quyền của các quốc gia trong sử dụng linh hoạt các quy tắc hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.
Vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tán thành văn bản do Ecuador và phong trào không liên kết đưa ra.
Anh nêu rõ rằng các biện pháp phải phù hợp với luật pháp quốc tế trên cơ sở đồng thuận. Mỹ với tư cách quan sát viên đã không ủng hộ cho nghị quyết.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã bảo đảm hơn 360 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để đáp ứng nhu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia nhằm đạt khả năng miễn dịch cộng đồng.
Ngày 23/3, phát biểu khi thị sát hoạt động tiêm chủng ngừa COVID-19 cho hàng trăm lãnh đạo Hồi giáo tại tỉnh Đông Java, ông Sadikin cho hay: “Chúng ta có thể tiêm vaccine cho 181,5 triệu dân. Do mỗi người cần hai liều nên hơn 360 triệu liều đã được đặt mua.”
Theo Bộ trưởng Sadikin, ít nhất 70% trong tổng số 7,8 tỷ người trên thế giới cần tiêm vaccine nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 11 tỷ liều vaccine cho 5,5 tỷ người.
Indonesia đã đặt mua 4 loại vaccine ngừa COVID-19 do Sinovac, AstraZeneca, Novavax và Pfizer sản xuất, đồng thời đặt mục tiêu hoàn tất chương trình tiêm chủng quốc gia trong vòng 12 tháng kể từ khi được khởi động vào tháng Một năm nay./.