• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Malaysia có thực sự thoát nghèo thành công?

Các chính quyền kế nhiệm của Malaysia đã che giấu tỷ lệ nghèo đói thực sự ở nước này...

Theo bản tường thuật của chính phủ, tỷ lệ nghèo ở Malaysia đã giảm từ 50% vào năm 1970 đến gần như xóa bỏ nó, chỉ còn 0,4% vào năm 2016. Mặc dù không công khai nhưng các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới nghi ngờ con số này là không chính xác.

Nghèo đói đang bao trùm cả nông thôn và thành thị Malaysia

Vào năm ngoái, Bộ Thống kê Malaysia đã điều chỉnh Thu nhập chuẩn nghèo quốc gia (PLI) tăng từ 980 MYR lên 2.280 MYR (242 USD lên 564 USD). Theo đó, tỷ lệ nghèo chính thức ở Malaysia đã tăng từ 0,4 lên 5,6%.

Một phần lý do cho điều này là các Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) được thực hiện do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19 và nền kinh tế sa sút. Nghèo đói ở thành thị đang gia tăng và thu nhập của người dân hầu như không thay đổi sau nhiều năm và chỉ ở mức đủ sống ở nhiều vùng nông thôn như Sabah, Sarawak, Kelantan, Terengganu, Kedah và Perlis. 

malaysia3.jpg
Các tổ chức thế giới nghi ngờ tỷ lệ thoát nghèo ở Malaysia là không chính xác.

Đây không phải là một vấn đề đồng nhất. Nghèo đói tồn tại ở nhiều vị trí địa lý và nhân khẩu học. Có nhiều nguyên nhân cơ bản khác nhau và điều kiện kinh tế hiện tại đã làm trầm trọng thêm tỷ lệ nghèo.

Khoảng 1,3 triệu người sống ở các vùng nông thôn được coi là đang sống trong cảnh nghèo đói. Những người này bao gồm các dân tộc bản địa sống trên bán đảo và các nhóm bản địa khác ở Sabah và Sarawak. Nhiều khu vực nơi người dân bản địa của Malaysia cư trú vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, điện, nước, tiện nghi y tế cơ bản, đường xá và viễn thông. 

Tiếp theo là các hộ nông dân nhỏ, những người có thể canh tác trên những vùng đất không kinh tế, với khả năng tiếp cận thị trường hạn chế. Họ cũng phải chịu đựng sự suy giảm của giá cả hàng hóa và thiếu khả năng tiếp cận vốn và công nghệ. 

Ở các thị trấn nông thôn, nhiều người phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp triền miên, đặc biệt là nam thanh niên. Nghiện ma túy là một vấn đề lớn. Tội phạm nhỏ đã gia tăng đáng kể ở nhiều vùng nông thôn trong 15 năm qua do thiếu cơ hội kinh tế thường xuyên. 

Các Dự án Phát triển Nông nghiệp Tổng hợp (IADPs) hỗ trợ cộng đồng về cơ sở hạ tầng và công nghệ cây trồng của những năm 1970 và 1980 đã không còn nữa. Ngày nay hầu như không có các chương trình khuyến nông. Các dự án cơ sở hạ tầng cộng đồng trong vài thập kỷ qua đã không cung cấp những gì cộng đồng thực sự cần và quỹ thường bị rò rỉ từ các dự án đó cho các nhà thầu và công ty liên kết. 

Các nhóm phụ khác trong hộ nghèo nông thôn bao gồm bà mẹ đơn thân, lao động phổ thông, người già yếu và tàn tật, khuyết tật. Điều này đặc biệt xảy ra ở các bang nông thôn của Perlis, Kelantan, Terengganu, các vùng của Kedah, Sabah và Sarawak. 

phu-nu-malaysia.jpeg
Những người mẹ đơn phải chống chịu với định kiến xã hội, khó tìm việc làm và thuộc nhóm hộ nghèo ở Malaysia.

Theo một nghiên cứu của UNICEF, khoảng 1,72 triệu người sống ở khu vực thành thị đang trong tình trạng nghèo đói và đang phải vật lộn để duy trì thu nhập tối thiểu để duy trì một cuộc sống lành mạnh. 

Hơn nữa, Lệnh Kiểm soát Di chuyển 2 (MCO2) đã làm tăng thêm một số lượng lớn người nghèo đói. Theo một báo cáo gần đây của UNICEF, 15% cư dân thành thị hiện đang thất nghiệp và rất nhanh sẽ rơi vào cảnh nghèo đói. 

Ngoài ra, lao động nước ngoài và lao động phổ thông từ các vùng nông thôn di cư đến các khu vực thành thị để tìm việc làm đang gây lo ngại cho các nhà chức trách. Vì mọi người ngày càng trở nên bi quan và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần. 

Những người dân tộc Hoa nghèo đói từ lâu đã sống ở các khu vực xa xôi của Kepong, Klang và Cheras, trong Thung lũng Klang, các thành phố và thị trấn lớn của Ipoh, Penang và Butterworth. Những khu dân cư của người da đỏ thường ở các khu vực sản xuất dầu cọ và cao su trước đây của Klang, Negeri Sembilan, và Johor, và dọc theo tuyến đường sắt nối từ bắc với nam. Những nhóm này làm một số công việc thấp nhất trong cộng đồng.

Ước tính có đến 6 triệu lao động nước ngoài đang tràn ngập thị trường lao động cấp thấp. Do đó, có rất ít cơ hội cho những nhóm người trên tìm được bất kỳ loại công việc nào. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng địa phương thích lao động nước ngoài vì độ tin cậy, năng suất cao hơn và chi phí lương thấp hơn. 

Chính phủ coi trọng việc phát triển kinh tế hơn là giúp người dân thoát nghèo

Vấn đề này từ lâu đã nằm ngoài tầm ngắm chính sách của chính phủ. Cụ thể là các chính sách xóa nghèo đã bị lãng quên. Thay vào đó là các ​​chính sách "có giá trị lớn" như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và canh tác thông minh. Chúng được đặt lên trên sứ mệnh đưa mọi người thoát nghèo. 

Cách tiếp cận từ trên xuống của Đơn vị Kế hoạch Kinh tế (EPU) đánh dấu các dự án mà các quan chức, chính trị gia và các công ty thuộc sở hữu của chính phủ (GLC) muốn, chứ không nhất thiết là những gì các cộng đồng địa phương nhỏ cần. Ngay cả các Ủy ban An ninh và Phát triển cũng gồm những người có vai trò chính trị, chứ không phải là đại diện thực sự của các cộng đồng địa phương. 

Quan trọng hơn, động lực của các dự án chủ yếu là để phân bổ lại đất của chính phủ cho các GLC và các tập đoàn tư nhân khác, cũng như cung cấp cho các nhà thầu những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Các bộ, ban ngành, cơ quan nhà nước và các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của các tập đoàn chính phủ hiện có hàng nghìn người, nhưng chủ yếu gây lãng phí ngân quỹ của chính phủ. 

malaysia2.jpg
Nhiều người mong đợi đến cuộc tổng tuyển cử tiểu bang tiếp theo để nhìn thấy những hiệu quả trong việc xóa nghèo cộng đồng.

Không chỉ vậy, các chính sách của chính phủ đưa ra chưa thực sự phù hợp. Các căn hộ cao tầng dành cho người nghèo vẫn chưa được sử dụng, vì người kampong thích sống trong các ngôi làng để duy trì môi trường xã hội của họ.

Các chương trình khởi nghiệp do nhiều cơ quan cung cấp được thiết kế xoay quanh việc xây dựng các doanh nghiệp tăng trưởng, hơn là các doanh nghiệp siêu nhỏ bền vững mà dân làng ưa thích. Các khóa học giáo dục cung cấp rất ít công nghệ phù hợp với người dân, tài chính vi mô hoặc các kênh tiếp thị để bán sản phẩm.

Gói kích thích Hỗ trợ Bảo vệ được phát triển để hỗ trợ những người gặp khó khăn từ cuộc đóng cửa COVID-19 không giải quyết được tình trạng nghèo đói đang gia tăng ở thành thị. 

Hệ thống giáo dục lạc hậu với quá nhiều trường đại học không có việc làm, trong khi ngành giáo dục nghề nghiệp cần được chú trọng hơn nhiều. Học bổng phải dành cho những người có nhu cầu nhất chứ không phải là những người có đặc quyền. 

Nhiều người mong đợi đến cuộc tổng tuyển cử tiểu bang tiếp theo để nhìn thấy những hiệu quả chính trị. Trong các vùng trung tâm Malaysia, nghèo đói có thể trở thành một vấn đề chính trị quan trọng hơn nhiều vì cuộc bỏ phiếu ở vùng nông thôn Malaysia luôn hướng về sự ổn định kinh tế hơn là các vấn đề chính trị. 

Điều chắc chắn là tình trạng nghèo ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế vào cuối năm nay. Nghèo đói, chính sách và chính trị sẽ là thách thức lớn tiếp theo của Malaysia sau COVID-19. 

NHẬT SANG

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật