Xu hướng này đã bắt đầu từ vài năm trước dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, song ngày càng gay gắt khi Donald Trump lên nắm quyền, và đặc biệt nghiêm trọng hơn từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây bắt đầu theo đuổi chính sách ngoại giao “Chiến Lang”, theo tên một bộ phim hành động nổi tiếng của Trung Quốc, trong khi các quan chức Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger liên tục trả đũa. Cuộc chiến đổ lỗi thực chất là nhằm vào những lực lượng cử tri trong nước, song lại đang góp phần làm căng thẳng hơn cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung.
Căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng nóng hơn sau khi COVID-19 bùng phát tại Mỹ. |
Những ngôn từ và chính sách cứng rắn mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra khiến nhiều nhà quan sát trên khắp thế giới lo ngại, trong đó có Đông Nam Á, châu Âu và thậm chí cả Ấn Độ. Trong hơn 2 thập kỷ, nhiều nước đã quen với việc vừa thúc đẩy các quan hệ kinh tế với Trung Quốc, vừa duy trì quan hệ đối tác quốc phòng ổn định với Mỹ, “tận hưởng” mối quan hệ chính trị-ngoại giao hài hòa với cả 2 cường quốc.
Đối với một số quốc gia, hợp tác quốc phòng với Washington thậm chí còn là “chất xúc tác” cho hiệu quả trong mối quan hệ đối tác kinh tế với Bắc Kinh, bởi những thỏa thuận ấy vừa giúp hạn chế rủi ro, vừa giảm bớt gánh nặng chi phí quốc phòng. Và giờ, nhiều nước lo ngại về nguy cơ phải đưa ra những lựa chọn nghiệt ngã.
Khó có thể đồng cảm với những lời kêu gọi Washington và Bắc Kinh không ép buộc các nước khác phải lựa chọn giữa một trong hai. Xét cho cùng, Mỹ và Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì họ muốn, và quan ngại của các quốc gia khác sẽ là thứ yếu. Suy nghĩ rằng vừa có thể hưởng lợi ích kinh tế từ Trung Quốc, vừa được Mỹ hỗ trợ bảo đảm an ninh là một suy nghĩ đầy vị kỷ.
Hơn thế nữa, suy nghĩ này còn tạo ra một so sánh sai lầm giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh một mặt tìm cách cưỡng ép các quốc gia khác chấp nhận những hoạt động xây dựng đảo và quân sự hóa ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), mặt khác lại kêu gọi họ tham gia dự án chính trị đơn phương trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy việc thiết lập những tổ chức và thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và các cơ cấu cho vay khác như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) để gạt Mỹ ra ngoài lề.
Ở phía đối lập, Mỹ tuyên bố rằng họ đã thúc đẩy một trật tự quốc tế cởi mở hơn, một trật tự ít sự “phân biệt đối xử” hay tẩy chay hơn. Xét cho cùng, chính Washington đã ủng hộ Trung Quốc tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, và Tổ chức Thương mại Thế giới trong giai đoạn từ 1971-2001.
Gần đây hơn, ngay cả những dự án như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà Mỹ dưới thời Donald Trump đã rút lui, các thành viên tham gia đều lựa chọn việc cạnh tranh với Trung Quốc chỉ bằng cách gia tăng chất lượng và để ngỏ cánh cửa chào đón thành viên mới.
Về cơ bản Mỹ không thuyết phục các quốc gia khác có những hành động tẩy chay nhằm vào Trung Quốc, song cũng có những ngoại lệ nhất định. Năm 2004-2005, với sự ủng hộ của một số nước thành viên và nhiều doanh nghiệp quốc phòng, Liên minh châu Âu (EU) từng cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc.
Điều này đã dẫn đến những bất đồng sâu sắc với Mỹ, vốn chia sẻ chuỗi cung ứng công nghệ và quốc phòng với châu Âu, ở thời điểm mối quan hệ giữa 2 bờ Đại Tây Dương đang căng thẳng sau Chiến tranh Iraq năm 2003. Trước những áp lực lớn và cả mâu thuẫn nội bộ, EU cuối cùng đã quyết định không gỡ bỏ lệnh cấm vận.
Nỗ lực kém thành công hơn của Washington khi họ tìm cách buộc các quốc gia khác phải “chọn lựa” trong cạnh tranh Mỹ-Trung diễn ra vào năm 2015, khi áp lực của dư luận đòi hỏi các đồng minh châu Âu – đặc biệt là Anh – không tham gia AIIB. Nỗ lực này đã khiến Washington mất mặt khi nhiều đồng minh phớt lờ các cảnh báo và trở thành thành viên của ngân hàng đầu tư này.
Và giờ, Washington một lần nữa lại vạch ra lằn ranh đỏ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc khi tìm cách ngăn chặn các doanh nghiệp từ quốc gia châu Á này có được hợp đồng phát triển mạng lưới viễn thông 5G trên thế giới. Những người được lợi từ làn sóng tẩy chay này rất có thể sẽ là các doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc châu Âu.
Tính đến nay, các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Australia đã “tiên phong” trong việc từ chối doanh nghiệp Trung Quốc, trong khi Anh công khai đi ngược lại quan điểm của đồng minh Washington.
Khác với những gì diễn ra trước đây, các tranh cãi về 5G rất có thể là tín hiệu báo trước một xu thế mới. Trong khi Trung Quốc đang đặt ra những giới hạn – cả hữu hình, như ở Biển Đông, và vô hình, như trong các thể chế quốc tế - Mỹ sẽ không tránh khỏi việc buộc phải có các hành động tương tự.
Thế giới sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ phân cực như giai đoạn trước Chiến tranh Lạnh, mà sẽ tiến tới một thời đại nơi người ta buộc phải tính toán các lựa chọn khó khăn trong một môi trường đầy rẫy những mối ràng buộc phức tạp.
(Nguồn: TTXVN)