Theo một bảng xếp hạng do QUICK-FactSet tổng hợp, vốn hóa thị trường của Moderna đã tăng hơn 130 tỷ USD từ cuối tháng 9 lên gần 140 tỷ USD.
Thành quả của Moderna, phần lớn được thúc đẩy bởi sự thành công của vaccine COVID-19 mRNA, đã vượt xa những gã khổng lồ dược phẩm đã tồn tại từ một thế kỷ trở lên. Đứng thứ hai là Eli Lilly đã tăng vốn hóa thị trường lên khoảng 120 tỷ USD so với cùng kỳ, trong khi Roche đứng thứ tư với mức tăng khoảng 75 tỷ USD.
Được thành lập vào năm 2010 bởi một giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts, các nhà nghiên cứu và nhà đầu tư của Trường Y Harvard, Moderna không xa rời nguồn gốc khởi nghiệp của họ.
Công ty đã nhận được khoản tài trợ đáng kể từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ và những người ủng hộ khác ngay cả trước khi ra công chúng và đã huy động được hơn 600 triệu USD thông qua đợt IPO vào tháng 12/2018, theo Nikkei Asia.
Thành công của công ty phần lớn bắt nguồn từ chiến lược đầu tư tích cực, rót vốn vào các lĩnh vực đầy hứa hẹn mặc dù chìm trong sắc đỏ trong ngắn hạn. Moderna đã đầu tư 1,3 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển vào năm 2020 trong khi thu về khoảng 800 triệu USD doanh thu, dẫn đến khoản lỗ ròng 700 triệu USD.
Nhưng Moderna đã kiếm được khoảng 4 tỷ USD lợi nhuận từ tháng 1 đến tháng 6 sau khi vaccine bắt đầu đóng góp đáng kể vào thu nhập. Hiện họ đang sử dụng sức mạnh từ đại dịch để áp dụng công nghệ của mình đối với bệnh ung thư và các phương pháp điều trị khác.
BioNTech, xếp thứ bảy về mức tăng định giá cũng tập trung vào công nghệ mRNA. Được thành lập vào năm 2008, công ty Đức hợp tác với Pfizer để đưa vắc xin ra thị trường trong vòng 11 tháng thông qua Dự án Lightspeed, một sáng kiến do chính Giám đốc điều hành Ugur Sahin đề ra.
Theo bảng xếp hạng, Pfizer, xếp thứ 14, đã chi 9,4 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2020. “Nhưng những công ty trên gặp khó khăn trong việc tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực cụ thể, gây ra sự phản đối từ các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự tăng trưởng cân bằng và ổn định", Shinya Tsuzuki, nhà phân tích cấp cao tại Mizuho Securities cho biết.
Tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trên doanh thu của 15 công ty dược phẩm lớn đạt 18,6% trong năm tài chính 2020, tăng khoảng 4 điểm so với năm tài chính 2011.
Số lượng người chơi và mức độ “chịu chi” ngày càng lớn đè nặng áp lực tài chính lên các công ty.
Tetsuya Yamaguchi, Phó Chủ tịch điều hành của Roche, Chugai Pharmaceutical, cho hay: “Chúng tôi sẽ cần xem xét hợp tác với những người mới trong và ngoài nước cũng như các tổ chức nghiên cứu nắm giữ công nghệ tiên tiến”.
Theo Nikkei, không có công ty Nhật Bản nào được xếp hạng trong top 15 về lợi nhuận định giá, vì họ tụt hậu về vaccine và phương pháp điều trị COVID, và rất ít công ty tham gia vào quan hệ đối tác như giữa Pfizer và BioNTech.
Trên thực tế, các nhà đầu tư hiện nay tỏ ra e dè với các công ty công nghệ sinh học Nhật Bản. Trong số 45 người chơi được Mizuho Securities theo dõi và có dữ liệu so sánh từ cuối năm 2019, tổng vốn hóa thị trường đã giảm khoảng 5% xuống chỉ còn dưới 2,4 nghìn tỷ yên (21 tỷ USD).
PeptiDream đang nghiên cứu các phương pháp điều trị sử dụng peptide, được tìm thấy trong protein. Nhưng công ty có trụ sở tại Kawasaki dự kiến sẽ không thương mại hóa công nghệ của mình cho đến cuối năm 2022, muộn hơn các đối thủ ở nước ngoài và giá trị vốn hóa thị trường của nó đã giảm hơn 300 tỷ yên.
Sau thành công của Moderna, các công ty dược phẩm mới hơn với công nghệ tiên tiến dự kiến sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý.
Một số người chơi trong các liệu pháp chỉnh sửa bộ gen đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng đầy hứa hẹn.
Intellia Therapeutics, được thành lập tại Mỹ vào năm 2014, đã đạt được hơn 8,5 tỷ USD vốn hóa thị trường trong thời kỳ đại dịch.