• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một thai phụ 25 tuổi ở Pakistan bị chết oan vì tập tục đổi dâu đổi rể

Theo thoả thuận watta satta, một cậu con trai và một cô con gái từ gia đình này sẽ được ghép...

Thai phụ Waziran Chhachhar, 25 tuổi ở Pakistan bị gia đình nhà chồng ném đá đến chết vì không hoàn thành thoả thuận trao đổi cô dâu, hay còn gọi là watta satta. Sự việc đang khiến mạng xã hội Pakistan dậy sóng. 

Ông Allahwarayo Wada, người thân của cô cho biết thoả thuận này cho phép hai gia đình ghép cặp con cái và tổ chức được hai cuộc hôn nhân. Cụ thể là cặp chú - cháu gái nhà Ali Chhachhar sẽ kết hôn với cặp chị gái - em trai trong gia đình nạn nhân. Khi đồng ý đính hôn, cháu gái của người chồng và em trai của nạn nhân đều ở độ tuổi 12.

Gần đây, hai gia đình đã xảy ra mâu thuẫn nên không tổ chức đám cưới của cặp chú - cháu gái. Vì quá tức giận, chú rể Ali Chhachhar đã giết hại cô dâu Waziran Chhachhar. Ngày 28/6, cảnh sát đã bắt giữ 3 người, trong đó có người chồng Ali Chhachhar.

Một cặp đôi người Pakistan và bản hợp đồng hôn nhân. Ảnh: AP.
Một cặp đôi người Pakistan và bản hợp đồng hôn nhân. Ảnh: AP.

Gia đình của nạn nhân đã gửi đơn khiếu nại lên SCSW, tổ chức đấu tranh cho nhân quyền của phụ nữ Pakistan. SCSW đang đề nghị các nhà chức trách tích cực điều tra vụ án, đồng thời thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ những người phụ nữ khác. SCSW cho rằng, nhiều vấn nạn như nghèo đói, mù chữ, thất nghiệp và chế độ phụ hệ là những yếu tố dẫn đến tình cảnh thương tâm này.

Mahnaz Rahman, chuyên gia của  tổ chức nhân quyền Aurat cho biết, ở Pakistan các cuộc tấn công và bạo hành phụ nữ không được điều tra minh bạch, cảnh sát không ghi chép chi tiết để tạo cơ hội cho thủ phạm, nhất là người có quyền, có tiền. 

Watta satta (cho và nhận) là thoả thuận hôn nhân giữa các thành viên của hai hộ gia đình. Thông thường, một cậu con trai và một cô con gái từ gia đình này sẽ được ghép đôi với cặp anh em của gia đình kia. Đôi khi các cặp chú - cháu trong hai gia đình cũng có thể tham gia vào thoả thuận này. Trẻ em 12 tuổi cũng không tránh khỏi các cuộc hôn nhân bị dàn xếp. Thủ tục bao gồm việc trao đổi tài sản giữa hai bên gia đình nhằm loại bỏ gánh nặng trả của hồi môn.

Đối với người dân tỉnh Sindh thì đây là tập tục quen thuộc. Các hộ gia đình hầu hết đều thực hiện theo. 

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội Mở năm 2015 đã nói về tập tục này và nhấn mạnh tình trạng lạm dụng, bạo hành phụ nữ, trẻ em. Dù việc trao đổi có thể giúp gia đình yên tâm nhưng lại đẩy cô dâu vào tình cảnh nguy hiểm, ví dụ như bị nhà chồng ngược đãi.

Theo một báo cáo, phụ nữ ở quốc gia này phải đối mặt nhiều hủ tục, tệ nạn bao gồm nạn hãm hiếp, giết người vì danh dự, tạt axit,... Riêng tỉnh Sindh, có 132 người phụ nữ đã bị sát hại kể từ tháng 1/2019 đến 1/2020.

Nhà hoạt động kiêm học giả Farzana Bari cho rằng, phụ nữ ở Pakistan bị coi như “một loại tài sản” trong thoả thuận watta satta, họ không có quyền tự quyết hôn nhân. 

“Khi thực hiện thoả thuận watta satta, một cuộc hôn nhân tan vỡ sẽ kéo theo cuộc hôn nhân còn lại. Trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào, phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi”, ông Bari nhận định.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật