Ngày 28/3, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ban hành lệnh cảnh báo đi lại với bang New York, New Jersey và Connecticut nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Cụ thể người dân của 3 bang này cần hạn chế đi lại trong 14 ngày, tuy nhiên lệnh cảnh báo không áp dụng với lao động của "các ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng chủ chốt", gồm vận tải đường bộ, y tế công và các dịch vụ tài chính.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ ghi nhận hơn 2.200 người thiệt mạng vì virus Covid-19 và đang đứng đầu về số ca nhiễm.
Trước đó, ông Trump cho biết có thể sẽ phong tỏa New York cùng một số khu vực của New Jersey và Connecticut, tuy nhiên do phe phản đối cho rằng lệnh phong tỏa sẽ gây ra hỗn loạn tại nơi được coi là "cỗ máy kinh tế" ở phía Đông nước Mỹ.
Tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới cũng đang diễn biến căng thẳng, cụ thể Ý là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 10.023 ca tử vong, theo sau là Tây Ban Nha với 6.528 ca.
Ý cũng từng hy vọng về việc Covid-19 không còn lan rộng sau khi tỷ lệ tử vong chậm lại từ 22/3 tuy nhiên trong 2 ngày qua, số ca tử vong lại tăng đột biến. Việc này khiến chính phủ Ý phải tăng cường các biện pháp hạn chế xã hội. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã kêu gọi mọi người ở nhà trong thời gian tới. Ngoài ra Ý còn phê duyệt các biện pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bằng cách cung cấp phiếu mua hàng và hỗ trợ thực phẩm.
Nước Ý cũng chi 4,79 tỉ USD cho các thị trưởng để họ giải quyết nhu cầu của người dân và 447 triệu USD sẽ được đưa vào một quỹ đặc biệt dành cho "những người không có tiền mua nhu yếu phẩm".
Ở Tây Ban Nha, chính phủ cũng thông báo biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn sau khi ghi nhận 832 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ - mức tăng kỷ lục kể từ khi virus bùng phát tại quốc gia này. Các biện pháp sẽ bắt đầu từ 30/3 đến 9/4.
Tây Ban Nha sẽ dừng mọi hoạt động kinh tế không thiết yếu và công nhân làm việc trong các lĩnh vực này sẽ phải ở nhà. Họ vẫn được trả lương như bình thường nhưng sẽ phải làm bù thời gian sau đó.