Theo nghiên cứu của Trung tâm Rủi ro và Phân tích kinh tế về các sự kiện khủng bố (CREATE), mức độ tác động của đại dịch lên nền kinh tế thể hiện qua các yếu tố, như thời gian và mức độ đóng cửa doanh nghiệp, quá trình mở cửa trở lại dần dần, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, tránh những nơi công cộng và nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén.
Thực tế, GDP là thước đo được điều chỉnh theo lạm phát, phản ánh giá trị, số lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng sản xuất bởi nền kinh tế của một quốc gia trong một năm nhất định.
“Trong trường hợp tốt nhất, sẽ có các biện pháp ngăn chặn. Chẳng hạn như khẩu trang và giãn cách xã hội trở nên phổ biến hơn, thậm chí có thể là vaccine vào năm tới. Và sau đó các doanh nghiệp, tổ chức có thể mở cửa trở lại với tốc độ nhanh hơn”, Adam Rose, Giám đốc CREATE, cho biết.
Việc mở cửa trở lại từ COVID-19 có thể tiêu tốn từ 3.000 - 5.000 tỷ USD trong GDP Mỹ. Ảnh: NYT |
Ông nói: “Nhưng trong trường hợp xấu nhất, những biện pháp đối phó này sẽ không thành hiện thực, và việc mở cửa trở lại sẽ diễn ra chậm chạp, đặc biệt là vì chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những làn sóng lây nhiễm. Khi đó, nhiều người có khả năng sẽ mất việc làm, và tác động của thảm họa này sẽ tiếp tục gia tăng”.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, riêng việc đóng cửa bắt buộc và mở cửa lại một phần có thể dẫn đến thiệt hại 22% GDP của Mỹ trong một năm, và thiệt hại thậm chí lớn hơn GDP trong hai năm.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý, các yếu tố chính khác sẽ ảnh hưởng đến mức độ thảm khốc của tổn thất.
Nhóm nghiên cứu cho biết, Trung Quốc đã không phải chịu những thiệt hại như vậy, do các biện pháp ngăn chặn tích cực, dẫn đến thời gian đóng cửa ngắn hơn.
Họ dự đoán rằng, trong trường hợp xấu nhất, thiệt hại GDP của Mỹ do COVID sẽ nhiều hơn gấp bốn lần so với Trung Quốc.
Vào đầu tháng 3/2020, một số bang đã hành động khi các trường hợp mắc COVID-19 liên lục gia tăng, bằng cách ra lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, như nhà hàng, quán bar và cửa hàng bán lẻ. Nhiều người cũng tạm dừng hoặc cắt giảm các dịch vụ công để hạn chế sự lây lan.
Các nhà nghiên cứu tại CREATE đã phân tích tác động kinh tế tiềm ẩn trong ba kịch bản từ trung bình đến thảm khốc.
Trong số các điểm nổi bật của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu dự kiến:
- 54 triệu đến 367 triệu ngày làm việc sẽ bị mất, do những người bị ốm hoặc chết vì COVID-19.
- 2 triệu đến gần 15 triệu ngày công lao động sẽ bị mất, do nhân viên ở nhà chăm sóc người thân bị ốm.
- Tỷ lệ mất việc làm có thể dao động từ 14,7% - 23,8%. Và trong trường hợp xấu nhất ước tính sẽ ảnh hưởng đến 36,5 triệu công nhân.
- Nhu cầu chăm sóc sức khỏe đã tăng lên do nhiễm COVID-19. Chi phí y tế do COVID-19 từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2022 có thể dao động từ gần 32 tỷ USD - 216 tỷ USD.
- Giảm nhu cầu đối với một số dịch vụ, chẳng hạn như sử dụng phương tiện công cộng, đi học, ăn uống tại nhà hàng và đi lại. Vì mọi người tránh các địa điểm và dịch vụ công cộng để giảm nguy cơ phơi nhiễm.
- Nhu cầu về các dịch vụ thông tin liên lạc tăng cao, vì nhiều nhân viên trong thời kỳ đại dịch này phải làm việc tại nhà.
Trong khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc đóng cửa và mở cửa trở lại là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự suy giảm của nền kinh tế, thì hành vi né tránh của người tiêu dùng cũng có ảnh hưởng đáng kể.
Một quán bar ngoài trời mở cửa trở lại sau thời kỳ đại dịch COVID-19. Ảnh: Getty |
Các nhà nghiên cứu giả định rằng, nhiều người tránh làm việc, không tham gia các lớp học trực tiếp tại trường học, và ngừng đi ăn nhà hàng, các hoạt động và tụ tập xã hội để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Dan Wei, thành viên nghiên cứu CREATE, cho biết: “Bởi vì mọi người phải tránh các hoạt động, điều này đã có tác động đáng kể đến thiệt hại kinh tế".
"Dựa trên mô hình của chúng tôi, chúng tôi ước tính rằng, hành vi né tránh có thể dẫn đến thiệt hại gần 900 tỷ USD GDP của Mỹ trong trường hợp xấu nhất. Bởi vì người tiêu dùng ở những nơi như California không thể tham gia vào nhiều hoạt động, như ăn trong nhà hàng và họ đang tiết kiệm”, Wei phân tích.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, thiệt hại kinh tế từ việc đóng cửa và hành vi trốn tránh có thể được bù đắp một phần bằng tăng chi tiêu của người tiêu dùng sau khi mở cửa trở lại.
“Trong khi việc đóng cửa bắt buộc và mở cửa trở lại một phần dẫn đến phần lớn sự suy giảm kinh tế, thì mức độ nhu cầu bị dồn nén dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng sau khi mở cửa trở lại, có thể rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế”, Terrie Walmsley, một nhà nghiên cứu của USC CREATE cho biết.