Theo TTXVN, 75% trong số khoảng 80 triệu liều vaccine nói trên sẽ được phân bổ thông qua cơ chế COVAX, trong đó ưu tiên cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Nam Á và Đông Nam Á, cùng với châu Phi.
Trong khi đó, 25% số vaccine còn lại dành cho những nhu cầu cấp bách, trong đó có những quốc gia đang trải qua đợt tăng đột biến số ca mắc COVID-19, các nước láng giềng cũng như các quốc gia yêu cầu sự hỗ trợ ngay lập tức từ phía Mỹ.
Đáng chú ý, trong số 25 triệu liều vaccine đầu tiên, 19 triệu liều sẽ được Mỹ chia sẻ thông qua COVAX, trong đó 6 triệu liều cho các quốc gia Nam và Trung Mỹ.
Khoảng 7 triệu liều dành cho châu Á, trong đó có các quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan (Trung Quốc) và các đảo Thái Bình Dương. Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là những nơi được nhận lô vaccine đầu tiên từ Mỹ.
Trong khi đó, khoảng 5 triệu liều khác sẽ dành cho châu Phi. Khoảng 6 triệu liều còn lại sẽ dành cho Mexico, Canada, Hàn Quốc, khu vực Bờ Tây và Gaza, Ukraina, vùng lãnh thổ Kosovo, Haiti, Gruzia, Ai Cập, Jordan, Iraq và Yemen, cũng như cho các nhân viên tuyến đầu của Liên hợp quốc.
Trong một thông báo, Tổng thống Biden đã cam kết về việc Mỹ sẽ là "một kho vũ khí vaccine" cho thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền Mỹ sẽ theo đuổi một số biện pháp bổ sung, ngoài nguồn tài trợ dành cho COVAX.
Theo đó, Mỹ sẽ ủng hộ từ nguồn cung cấp vaccine của Mỹ cho thế giới và khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự, làm việc với các nhà sản xuất Mỹ để tăng số liều vaccine cho phần còn lại của thế giới, đồng thời giúp nhiều quốc gia hơn nữa trong việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine, trong đó có thông qua chuỗi cung tứng toàn cầu.
(Tổng hợp)