Theo dự báo vừa mới được công bố vào ngày 5/4, khu vực này dự kiến sẽ có mức tăng trưởng 5% vào năm 2022, giảm so với mức dự báo 5,4% vào tháng 10/2021.
Tổ chức tài chính quốc tế này cho biết thêm, tăng trưởng có thể giảm xuống 4% trong trường hợp các điều kiện xấu đi và các phản ứng chính sách không hiệu quả của các chính phủ, đồng thời kêu gọi “cải cách mạnh mẽ các chính sách tài khóa, thận trọng và đổi mới các chính sách về thương mại”.
“Giữa lúc các nền kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương đang phục hồi sau cú sốc do đại dịch gây ra thì cuộc chiến ở Ukraina lại đang đè nặng lên đà tăng trưởng”, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Manuela Ferro, cho biết trong một tuyên bố.
“Và các chính sách hợp lý và nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ của khu vực sẽ giúp khu vực vượt qua những cơn bão này”, Manuela Ferro cho biết thêm .
Theo báo cáo, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 5% trong năm nay, giảm từ 5,4% theo dự báo trước đó.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại do các đợt phong tỏa cực kỳ nghiêm ngặt nhằm mục đích kiềm chế đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch cho đến nay và điều này đã đè nặng lên sản xuất và nhu cầu.
Ngoài Trung Quốc ra, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng 4,8%, giảm từ 5,2% so với dự báo trước đó.
Ở Đông Nam Á, Philippines có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng trưởng ước tính đạt 5,7%, tiếp theo là Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại UBP (Hồng Kông), nói rằng dự báo hạ cấp dự báo tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới là do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa yếu hơn ở Trung Quốc và giá năng lượng tăng.
“Vẫn còn sớm để xác định xem sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai nhưng vẫn an toàn khi giả định rằng lạm phát sẽ duy trì trên mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế châu Á vào năm 2022, trước khi giảm vào năm 2023,” Casanova nói.
“Về phía Trung Quốc, những tháng yếu kém nhất vẫn đang ở phía trước nhưng chúng tôi dự đoán sẽ có một điểm uốn trong hoạt động vào tháng 6, một khi nước này bắt đầu kích thích các chính sách kinh tế”, chuyên gia này cho biết thêm.
Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện Quản trị và Chính sách Công tại Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng có một số dấu hiệu kinh tế đáng khích lệ ở phía trước.
“Có những dấu hiệu cho thấy những khó khăn trong khâu cung ứng đang giảm bớt. Giá cả hàng hóa ổn định và đó là lý do chính đáng để tin tưởng vào các dự báo của Ngân hàng Thế giới. Nhưng sự leo thang của xung đột Nga-Ukraina và áp lực lạm phát có thể tạo ra một kịch bản xấu hơn", Tim Harcourt nói.