Theo một đánh giá từ hơn 100 nghiên cứu, những người làm trong lĩnh vực giải trí và biểu diễn nghệ thuật có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp đôi so với dân số chung. Hiệp hội người biểu diễn nghệ thuật Equity cho rằng tác động của dịch Covid-19 đối với nhà hát và các địa điểm khác trong năm 2020 và 2021 làm trầm trọng thêm các tác nhân như không đảm bảo việc làm và lương thấp.
Những giờ làm việc một mình, xa nhà và thiếu sự hỗ trợ từ những người có thẩm quyền cũng làm tăng thêm những lo âu và mức độ trầm cảm. Tiến sĩ Lucie Clements đã thực hiện đánh giá, kiểm tra 111 nghiên cứu hàn lâm liên quan đến sức khỏe tâm thần ở các chuyên gia và sinh viên trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong 20 năm qua. Hai nghiên cứu, một tập trung vào các diễn viên, còn lại tập trung vào các vũ công ballet, đã cho thấy khả năng mắc trầm cảm ở các nghệ sĩ cao gấp hai lần.
Ảnh minh họa:internet. |
Những bài viết khác cho thấy 24% vũ công ballet cho biết đã trải qua sự lo lắng, cùng 32% ca sĩ opera, 52% sinh viên lớp diễn xuất, 60% diễn viên và 90% nhạc sĩ nhạc rock. Trong khi đó, chỉ có 6% dân số nói chung cho biết từng trải qua tâm trạng lo lắng. Hơn 7 trong số 10 người trong lĩnh vực này là lao động tự do, có thời gian làm việc không thường xuyên, với hy vọng được linh hoạt và sẵn sàng khi có việc.
Thời gian làm việc cô lập và các buổi diễn đêm muộn có thể dẫn tới gián đoạn giấc ngủ hay thói quen ngủ không ổn định – từng được biết là nguy cơ với các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Theo đánh giá này, “Những chuyến lưu diễn không nhất quán và áp lực thời gian di chuyển, lịch trình làm việc thất thường (gồm những buổi tối và các buổi biểu diễn cuối tuần), thời gian đi làm xa nhà đồng nghĩa với việc thiếu thời gian cho người thân, gia đình hay cuộc sống xã hội. Các nhạc sĩ chẳng hạn, đã chia sẻ về việc hàng tháng trời không gặp con. Đây là điều quan trọng bởi sự hỗ trợ từ người thân được biết đến là một trong những yếu tố bảo vệ quan trọng đối với sức khỏe tâm thần”.
Theo một nghiên cứu, 83% diễn viên cho biết căng thẳng tài chính là một vấn đề “đôi khi”, còn 30% cảm thấy đây là một vấn đề thường xuyên. Nhiều nghệ sĩ phải làm nhiều công việc cùng lúc để kiếm sống.
Cũng như các vấn đề liên quan đến việc làm, đánh giá này cho thấy tác động những cảm xúc mãnh liệt và liên tục nói về những tình huống như cái chết hay cưỡng hiếp có thể góp phần khiến sức khỏe tâm thần yếu. Những lo lắng về màn trình diễn của một cá nhân được người khác đón nhận ra sao cũng là một tác nhân góp phần.
Một áp lực khác là phải tuân theo các tư tưởng thẩm mỹ “như các diễn viên và vũ công nữ phải mảnh mai. Áp lực về cân nặng và nguy cơ rối loạn ăn uống liên quan trực tiếp tới mức độ trầm cảm và lo lắng ở các vũ công, và cả ở các nhạc sĩ, ca sĩ”.
Ông Paul Fleming, thư ký của Equity, cho biết: “Nghiên cứu mang tính bước ngoặt này xác nhận một cách cụ thể những gì các thành viên của Equity đã biết trong nhiều năm: những người làm trong ngành giải trí và biểu diễn thường gặp sức khỏe tâm thần kém. Có một loạt các yếu tố góp phần, nhưng rõ ràng là tác động có hại của công việc bấp bênh, lương thấp và điều kiện làm việc tồi đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng này”.
Đáp lại những phát hiện này, Equity đã đưa ra một điều lệ 5 nhu cầu chính nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần và phúc lợi cho các nghệ sỹ trình diễn, bao gồm cải thiện mức lương, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, áp dụng các biện pháp bảo vệ và đánh giá rủi ro nơi làm việc, đảm bảo công việc cho các nhóm bị thiệt thòi. Đồng thời, hiệp hội cũng kêu gọi chính phủ đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần để đảo ngược một thập kỷ thiếu sự tài trợ.