Ngày 18/8, các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng nCoV tồn tại hơn ba tuần ở nhiệt độ bảo quản lạnh và đông lạnh.
Nghiên cứu được thực hiện bằng cách cho nCoV xâm nhập vào lát cá hồi, thịt gà và thịt lợn mua ở siêu thị tại Singapore rồi lưu các mẫu ở ba nhiệt độ khác nhau (4oC, -20oC, -80oC), đồng thời kiểm tra mẫu ở các mốc thời gian (1, 2, 5, 7, 14 và 21 ngày sau khi cấy virus). Kết quả thực phẩm vẫn bị nhiễm virus sau 3 tuần ở cả 3 mức nhiệt độ.
Nghi vấn nCoV xâm nhập vào đồ đông lạnh từng gây chú ý trước đó sau khi Trung Quốc phát hiện ra lô cánh gà đông lạnh được nhập từ Brazil dương tính với nCoV. Cách đây vài ngày, thành phố Yên Đài, Trung Quốc, người ta tìm thấy nCoV trên bao bì hải sản đông lạnh, nhập khẩu từ Ecuador. Các quan chức đã phong tỏa hàng hóa, những người xử lý hải sản được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nCoV có thể tồn tại trong khoảng thời gian và nhiệt độ liên quan đến điều kiện vận chuyển cũng như bảo quản thực phẩm. Nguyên nhân gây lây truyền virus này là do điều kiện làm việc tại các nhà máy chế biến. Công nhân phải thường xuyên trao đổi, la hét trong môi trường làm việc dài, thông khí kém.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Với virus hiện diện ở người lao động và môi trường, thịt có thể bị nhiễm nCoV trong quá trình giết mổ và chế biến".
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại sau một thời gian dài, vì vậy nhiều ý kiến cho rằng việc nhập khẩu thực phẩm và bao bì thực phẩm nhiễm khuẩn có thể là một nguồn cơn cho đợt dịch.
Tại New Zealand sau hơn 100 ngày không lây nhiễm cộng đồng, gần đây đã phát hiện ca nhiễm mới. Ngày 11/8, Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo, bốn trường hợp dương tính nCoV trong một hộ gia đình ở Auckland không rõ nguồn lây, và không ra nước ngoài gần đây. Một vài bệnh nhân làm việc tại cơ sở thực phẩm đông lạnh ở Auckland.
Đến ngày 24/8, New Zealand ghi nhận thêm 9 trường hợp Covid-19 từ cụm dịch lây ở Auckland. 123 ca nhiễm và 151 người liên quan đến cụm dịch đang cách ly ở Auckland, trong đó 82 người có kết quả dương tính và tiếp xúc thành viên trong gia đình.
Ông Ashley Bloomfield, Tổng Giám đốc Y tế New Zealand, cho biết "virus có thể tồn tại trong một số môi trường lạnh khá lâu". Dù vậy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại cho rằng không cần phải lo sợ về con đường lây lan này: "Mọi người không nên sợ thực phẩm, đồ đóng gói, thực phẩm chế biến sẵn hoặc giao hàng".
Các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland cho biết mặc dù nguy cơ lây truyền thấp, nhưng khả năng bùng phát dịch bệnh vẫn tồn tại. Dù không phải con đường chính nhưng khả năng vận chuyển hàng hóa bị nhiễm nCoV đến khu vực không có Covid-19 cũng là một giả thuyết và cần phải được tìm hiểu kỹ hơn.
"Chúng tôi tin rằng có thể thực phẩm nhập khẩu bị nhiễm khuẩn truyền virus sang công nhân và môi trường. Một người xử lý thực phẩm bị nhiễm, có khả năng trở thành trường hợp chỉ điểm của một đợt bùng phát mới", các tác giả nghiên cứu cho biết.
Dù chưa được khẳng định bởi các đánh giá chéo nhưng, phát hiện của nhóm nghiên cứu, cùng với các báo cáo của Trung Quốc, đã gửi cảnh báo đến các cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm.