• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người chết do COVID-19 ở New York vượt vụ khủng bố 11/9

New York đang đối mặt với một trong những ngày đen tối nhất khi số ca tử vong vì COVID-19 vượt...

Số người chết vì dịch bệnh tại thành phố New York đã cao hơn 1.000 ca so với vụ tấn công kinh hoàng nhất trên đất Mỹ, khiến 2.977 người chết, VnExpress đưa tin.

Thống đốc Andrew Cuomo hôm nay cho biết toàn bang New York ghi nhận thêm 731 trường hợp tử vong COVID-19 trong 24 giờ qua, mức tăng kỷ lục, nâng tổng số người chết lên gần 5.500 trong gần 140.000 ca nhiễm.

"Đằng sau mỗi con số là một người dân. Đó có thể là một gia đình, một người mẹ, một người cha, một người chị hay một người anh. Hôm nay, rất nhiều người New York lại chịu thêm nỗi đau vô hạn", Cuomo nói.

Thống đốc New York cũng chia sẻ thêm thông tin đáng mừng, cho biết số người nhập viện và số người phải chăm sóc tích cực đã giảm. Ông cho biết các trường hợp tử vong là "chỉ số sau", phản ánh những người nguy kịch phải nhập viện từ trước đó.

  Nhân viên y tế New York vận chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn hôm 7/4. Ảnh: AFP. 

Nhân viên y tế New York vận chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn hôm 7/4. Ảnh: AFP. 

Tuy nhiên, Cuomo cũng cảnh báo tình hình khả quan sẽ tiếp tục phụ thuộc vào việc liệu mọi người có tuân thủ quy tắc cách biệt cộng đồng hay không. "Nó vẫn phụ thuộc vào những gì chúng ta hành động. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới những con số", ông nhấn mạnh.

Lệnh đóng cửa các trường học và doanh nghiệp không thiết yếu tại New York được kéo dài đến ngày 29/4. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết "vẫn còn quá sớm để rút ra bất cứ kết luận nào" về việc liệu tình hình có đang cải thiện hay không. 

Mỹ tăng thêm gần 2.000 ca tử vong do COVID-19, mức kỷ lục trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên gần 13.000, trong gần 400.000 ca nhiễm. Toàn bộ 50 bang, quận Columbia và các vùng lãnh thổ khác của Mỹ đều ghi nhận ca nhiễm COVID-19, trong khi Wyoming là bang duy nhất chưa báo cáo ca tử vong nào. 

Trước tình hình dịch bệnh lan rộng mà trang thiết bị y tế thiếu hụt, theo tờ New York Post, các công ty sản xuất trang bị bảo hộ hàng đầu của Mỹ trình bày với Nhà Trắng rằng Trung Quốc cấm công ty này xuất khẩu các sản phẩm mà họ sản xuất tại Trung Quốc. Bắc Kinh dường như đang muốn dồn thị trường sản phẩm bảo hộ y tế trên thế giới vào chân tường. 

Bà Jenna Ellis, cố vấn pháp lý cao cấp trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, được Fox News dẫn lời ngày 5/4 cho biết hiện nay, chính quyền ông Trump đang cân nhắc kiện Trung Quốc về những hành động bị cáo buộc này.

Bà Jenna Ellis, một cố vấn pháp lý cao cấp trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, nói: "Trong luật hình sự, việc này được so sánh với các mức độ giết người. Người ta đang chết dần chết mòn. Khi có những hành động cố ý, có âm mưu giết người không ghê tay như kiểu Trung Quốc hiện nay, thì đây được xem như là giết người cấp độ 1".

Bà Ellis nói rằng các biện pháp lựa chọn đang được xem xét bao gồm kiện trước Tòa Nhân quyền châu Âu hoặc làm việc thông qua Liên hợp quốc (LHQ). Theo một viên chức cao cấp Nhà Trắng, giám đốc điều hành của công ty 3M và Honeywell nói với các giới chức Mỹ rằng chính phủ Trung Quốc bắt đầu chặn việc xuất khẩu khẩu trang N95, máy trợ thở, giày, găng tay và những sản phẩm khác do các công xưởng của họ sản xuất tại Trung Quốc.

Mỹ đang cuống cuồng tìm nguồn cung cấp trang thiết bị y tế như máy thở, quần áo bảo hộ và khẩu trang.
Mỹ đang cuống cuồng tìm nguồn cung cấp trang thiết bị y tế như máy thở, quần áo bảo hộ và khẩu trang.

Viên chức này cho biết Trung Quốc trả tiền cho các nhà sản xuất theo giá bán sỉ tiêu chuẩn nhưng cấm bán các sản phẩm thiết yếu cho bất cứ ai. Viên chức Nhà Trắng cho biết trong khi đó, dữ liệu trên mạng cho thấy Trung Quốc nhập 2,46 tỷ đơn vị "các chất liệu phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh" trong thời gian từ ngày 24/1 cho đến ngày 29/2.

Các trang bị này trị giá gần 1,2 tỷ USD gồm hơn 2 tỷ khẩu trang và hơn 25 triệu chất liệu để may quần áo bảo hộ từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như từ Australia, Brazil và Campuchia.

Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc chứng tỏ nỗ lực của nước này nhằm dồn thị trường thế giới về các mặt hàng bảo hộ vào chân tường bằng cách thu mua số lượng lớn các mặt hàng này. Trong khi Trung Quốc - nước  sản xuất trang bị bảo hộ lớn nhất thế giới, đã hạn chế xuất khẩu.  

Tuần qua, ông Trump áp dụng Luật Sản xuất Quốc phòng để ra lệnh cho công ty 3M có trụ sở tại St. Paul, Minesota, ưu tiên sản xuất khẩu trang N95 cho Cơ quan Quản trị Khẩn cấp Liên bang FEMA. Ông Michael Wessell, thành viên sáng lập của Ủy ban Duyệt xét Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, xác nhận điều này và nói rằng việc Trung Quốc dùng mánh khóe đã khiến cho các bệnh viện Mỹ thiếu hụt trang bị bảo hộ trầm trọng để chống lại khủng hoảng.

Ông Wessell nói: "Một số hành động của Trung Quốc có lẽ là bất hợp pháp nhưng đưa sự kiện này ra trước pháp luật giữa lúc chúng ta rơi vào cuộc khủng hoảng thì không giúp ích gì nhiều cho các bệnh nhân đang dùng máy trợ thở trong bệnh viện". 

Ông Christian Whiton, cựu Cố vấn cao cấp về ngoại giao và thương mại, mô tả việc Trung Quốc kiểm soát trang bị bảo hộ là "một cuộc chiến tranh chính trị". Ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump và là người hướng dẫn chương trình "Phòng chiến tranh: Đại dịch" nhận định thái độ của Trung Quốc tương tự như "thảm họa Chernobyl". Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong khi đó, Đài Sputnik cho rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về khẩu trang, mặt nạ y tế trong cuộc khủng hoảng chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) . 

Ông Jin Hai, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho biết kể từ ngày 1/3 vừa qua, Trung Quốc đã xuất khẩu 3,86 tỷ khẩu trang, 37,5 triệu bộ quần áo bảo hộ, 16.000 máy thở và 2,84 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Các lô hàng đã được gửi đến hơn 50 quốc gia. 

Theo ông Zhang Qi thuộc Cục quản lý giám sát dược phẩm nhà nước Trung Quốc, trong khi các dụng cụ vật tư y tế hiện được coi là thiết yếu và đang bị thiếu hụt trầm trọng trong cuộc khủng hoảng COVID-19, Trung Quốc đã tăng công suất của các cơ sở sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 lên đến 4 triệu bộ mỗi ngày.

Hiện nay, Trung Quốc hàng ngày sản xuất hơn 110 triệu khẩu trang, nghĩa là gấp 12 lần so với thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát...Chuyên gia cao cấp Zhou Rong thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng một số nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc đang gia tăng khối lượng sản xuất, một số doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khác đang chuyển sang sản xuất dụng cụ vật tư y tế.  

Hiện nay, Trung Quốc có hơn 38.000 công ty sản xuất khẩu trang, nhiều hơn 1.560% so với cách đây một năm. Tuần trước, một số cơ quan chính phủ Trung Quốc đã đưa ra bản tuyên bố chung cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty trong nước định hướng xuất khẩu các sản phẩm y tế để góp phần vào cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch. Các cơ quan chính phủ cũng cam kết sẽ tăng cường cơ chế kiểm tra để đảm bảo chất lượng cao của các sản phẩm y tế xuất khẩu.

CHẤN HƯNG (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật