Timothy Ray Brown, người đầu tiên khỏi HIV nhờ phương pháp ghép tế bào gốc, đã qua đời vì bệnh bạch cầu, một dạng ung thư máu.
Cách đây 5 tháng, bệnh ung thư ác tính tái phát, Brown được điều trị tại nhà riêng ở California. Ông đã ra đi ở tuổi 54, theo thông báo của Hiệp hội AIDS Quốc tế (IAS) hôm 29/9.
Timothy Ray Brown |
Brown là người đầu tiên khỏi HIV vào năm 2018 sau khi cấy ghép tế bào gốc, ông là biểu tượng hy vọng cho hàng chục triệu người đang sống chung với bệnh AIDS.
Ông Adeeba Kamarulzaman, chủ tịch IAS, bày tỏ lời chia buồn của mình đối với sự ra đi của ông Brown: "Chúng tôi nợ Timothy và bác sĩ của anh ấy, Gero Hutter. Chúng tôi vô cùng biết ơn vì họ đã mở ra cánh cửa cho các nhà khoa học, rằng HIV có thể chữa khỏi".
Người bạn đời của ông - Tim Hoeffgen cho biết Brown qua đời vì bệnh bạch cầu và không liên quan đến HIV.
Năm 1995, Brown được chẩn đoán nhiễm HIV khi đang học ở Berlin. 10 năm sau, ông mắc bệnh bạch cầu. Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc từ người hiến tặng có đột biến gene hiếm gặp, giúp ông có khả năng kháng HIV tự nhiên với hy vọng có thể xóa sổ cả hai căn bệnh.
Năm 2008, ông đã khỏi cả hai căn bệnh quái ác này. Đến năm 2010, ông đã công khai quá trình chiến đấu với hai căn bệnh và bắt đầu thành lập quỹ thiện nguyện riêng dành cho những người cùng cảnh ngộ. Ông nói rằng mình chính là bằng chứng sống cho thấy có thể chữa khỏi AIDS.
Bệnh nhân thứ 2 cũng được điều trị thành công bằng phương pháp này là "bệnh nhân London". Tháng 8 vừa qua, một phụ nữ ở California được báo cáo là không còn dấu vết của mầm bệnh trong cơ thể, dù không sử dụng phương pháp kháng virus.
Sharon Lewin, chủ tịch IAS, giám đốc Viện Doherty ở Melbourne, Australia nói: "Cộng đồng khoa học hy vọng một ngày nào đó có thể tôn vinh di sản của ông bằng chiến lược điều trị an toàn, hiệu quả và phải chăng, đủ khả năng tiếp cận rộng rãi để loại bỏ HIV, sử dụng phiên bản gene hoặc kỹ thuật tăng cường kiểm soát miễn dịch".