Theo Bloomberg, một số quốc gia Đông Nam Á đang có tình trạng giới nhà giàu và quyền lực cố gắng tiêm mũi thứ 3, bất chấp bối cảnh thiếu vaccine, nhiều người chưa được tiêm chủng.
TạiIndonesia, một số quan chức nước này đã bị camera an ninh ghi lại cảnh đang bàn luận về mũi tiêm thứ 3 họ nhận được. Sau đó, cuộc trò chuyện giữa các quan chức vô tình được phát sóng trực tiếp trên kênh chính thức của Ban thư ký Tổng thống Indonesia.
Joko Widodo - Tổng thống Indonesia - cũng được cho là nói ông chưa tiêm mũi thứ 3 vì đang chờ vaccine Pfizer nhưng văn phòng của ông Widodo và chính thống đốc Indonesia không trả lời yêu cầu bình luận. Đồng thời, đoạn băng ghi hình cũng bị gỡ bỏ kể từ đó.
Tại Thái Lan, cảnh sát đang điều tra một giám đốc và một bác sĩ ở 2 bệnh viện vì cáo buộc sử dụng vaccine Pfizer - vốn dành cho phụ nữ mang bầu và nhân viên y tế - cho người thân và cấp dưới.
Tại Philippines, Ronaldo Zamora - đại diện thành phố San Juan - đã trò chuyện một cách cởi mở trong cuộc họp báo về việc đã tiêm 4 mũi vaccine. Sau đó, con trai ông - thị trưởng của thành phố San Juan - lên tiếng giải thích Zamora bị suy giảm miễn dịch và số mũi tiêm được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Được biết, giới phân tích cho rằng những mũi tiêm tăng cường có thể tăng khả năng bảo vệ, chống lại biến chủng Delta. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước tạm dừng hoạt động tiêm tăng cường cho đến khi nguồn cung vaccine đủ phục vụ người dân ở các nước nghèo.
Các quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine. Đặc biệt khi các quốc gia như Philippines, Malaysia và Thái Lan chứng kiến số ca nhiễm tăng kỷ lục. Một số người Đông Nam Á buộc phải đi xa hoặc cắm trại tại các trung tâm y tế để có được mũi tiêm thứ nhất hoặc hai. Tuy nhiên, khi chính phủ nới lỏng hạn chế đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, đám đông chờ tiêm tiếp tục tăng lên vì nhu cầu tiêm mũi tăng cường, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Leonila Dans - chuyên gia dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Philippines - nhận định việc xếp hàng tiêm mũi thứ 3 không chỉ gây hại cho một hoặc hai người.
Hiện tại, ngoại trừ Singapore đã tiêm chủng cho 80% dân số, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang gặp khó khăn với mục tiêu tiêm chủng đặt ra. Cụ thể, tỷ lệ tiêm chủng tại Philippines và Indonesia chạm mốc 13%, trong khi Thái Lan là 10%.