Trong hội nghị chuyên đề ngày 16/8, viện sĩ Chung Nam Sơn đã đưa ra đề nghị thực hiện các thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 chung với Nga để học hỏi lẫn nhau.
Ông Chung Nam Sơn là lãnh đạo nhóm chuyên gia của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia, cố vấn cấp cao của chính phủ trong công tác phòng ngừa Covid-19. Đồng thời là người đề xuất phương án phong tỏa trên diện rộng, xét nghiệm chủ động. Viện sĩ Chung từng đóng vai trò lớn đẩy lùi dịch SARS năm 2002-2003.
Ông Chung chia sẻ: "Trung Quốc và Nga có thể học hỏi được nhiều điều từ nhau. Công nghệ và chiến lược của Nga (trong việc đẩy lùi Covid-19) rất đáng để nghiên cứu. Trong khi đó, Trung Quốc lại có những phương pháp độc đáo kiểm soát đại dịch, đặc biệt là sử dụng y học cổ truyền".
Ông Chung chưa đề cập đến loại vaccine ông muốn nhắm tới, nhưng ông thừa nhận rằng Nga đã đạt được thành công nhanh chóng trong việc phát triển vaccnie phòng Covid-19.
Tuy nhiên, Giáo sư Jin Dong-yan, chuyên gia virus của Đại học Hong Kong, cho rằng đây không phải ý kiến hay. Ông nhấn mạnh, Nga đã không tuân thủ các quy định tiêu chuẩn quốc tế, phê duyệt vaccine khi chưa hoàn thành thử nghiệm quy mô lơn. Còn Trung Quốc cần tiếp tục nghiên cứu vaccine tại nước ngoài vì dịch tễ trong nước suy yếu, không còn đủ số ca bệnh để xác định được tính an toàn và hiệu quả của vaccine đang nghiên cứu.
Trung Quốc vừa qua đã nêu điều kiện để phê duyệt vaccine đó là phải có tác dụng khoảng 50%, thời gian duy trì miễn dịch ít nhất 6 tháng. Đối với các sản phẩm đáp ứng được điều này mà chưa hoàn thành thử nghiệm cũng có thể sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.
Trung Quốc phát triển công nghệ truyền thống đó là sử dụng virus bất hoạt để kích thích miễn dịch ở người để điều chế vaccine. Hiện đang thử nghiệm tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Brazil, Arab Saudi và Indonesia. Chính phủ nước này cũng đã cấp bằng sáng chế cho vaccine của hãng dược CanSino Biologics hợp tác với các nhà nghiên cứu trong quân đội.
Ngày 11/8 vừa qua, Nga là nước đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19, dù vậy nhiều chuyên gia cho rằng vaccine này chưa được kiểm chứng về độ an toàn và hiệu quả.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết: "Tôi kỳ vọng (vào vaccine), nhưng chưa thấy bất cứ bằng chứng nào khiến mình tin tưởng, rằng vaccine của Nga thực sự an toàn. Tôi nghi ngờ điều đó".