Báo cáo cho rằng sau khi ứng phó thành công với nhiều cú sốc nghiêm trọng như dịch COVID-19 và kinh tế thế giới suy thoái sâu trong năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã “tích lũy được kinh nghiệm mới về kiểm soát vĩ mô để đạt được thành tựu tương đối lớn với chi phí hợp lý”.
Do đó, trên cơ sở ổn định tài chính, ổn định việc làm, tuân thủ nghiêm ngặt tư duy giới hạn đỏ, năm 2021 nền kinh tế Trung Quốc sẽ đẩy nhanh thực hiện các cải cách, đẩy mạnh nâng cấp sản xuất công nghiệp để đón nhận thời kỳ chuyển đổi nhanh.
Chính vì xuất phát từ việc tăng tốc chuyển đổi và cải cách nền kinh tế, nên báo cáo công tác chính phủ lần này của Trung Quốc mới đặt mục tiêu tăng trưởng tổng giá trị sản xuất quốc nội (GDP) năm 2021 ở mức 6% trở lên. Điều đó cho thấy thái độ điều hành tích cực và ổn định của Chính phủ Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã không xóa bỏ việc xác lập mục tiêu tăng trưởng GDP như kỳ vọng của một số chuyên gia và nhà phân tích. Suy cho cùng, với tư cách là một quốc gia đang phát triển và chuyển đổi nhanh về kinh tế, chỉ có duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức độ nhất định mới có thể giữ vững ổn định kinh tế. Không có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì phát triển kinh tế chất lượng cao sẽ không không có cơ sở vững chắc.
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng rất tỉnh táo. Căn cứ vào xu thế phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc và mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 mà các địa phương báo cáo, Chính phủ Trung Quốc tỉnh táo nhận thức được rằng việc cải cách và nâng cấp sản xuất công nghiệp tiếp theo, cũng như trong quá trình biến động của kinh tế thế giới, chắc chắn sẽ có đối mặt với nhiều nhân tố không xác định và thách thức.
Ví dụ, chương trình chấn hưng nông thôn, đảm bảo dân sinh cần phải thực hiện trong bước tiếp theo, mặc dù chi phí đầu tư cho những cải tạo xã hội và sản xuất công nghiệp này có lợi cho sự phát triển lâu dài của Trung Quốc, nhưng chưa chắc có thể được phản ánh ở phương diện tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và tăng trưởng GDP.
Hơn nữa, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản của Trung Quốc bước tiếp theo, cũng như đầu tư phục vụ cho xây dựng các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể sẽ xuất hiện những thất bại. Trên bình diện quốc tế, thời gian tới tình hình dịch bệnh và kinh tế của Mỹ vẫn có thể xuất hiện những thăng trầm mới, thậm chí bùng phát khủng hoảng.
Do đó, việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% của Chính phủ Trung Quốc chỉ là một tiêu chuẩn giới hạn. Căn cứ vào những nhiệm vụ năm 2021 được xác định trong Báo cáo Công tác Chính phủ Trung Quốc, năm 2021 sẽ là một năm có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ “lấy đứng trên giai đoạn phát triển mới, quán triệt quan điểm phát triển mới, xây dựng cục diện phát triển mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao làm chủ đề, lấy đi sâu cải cách kết cấu trọng cung làm đường hướng chính”.
Đối với Chính phủ Trung Quốc và xã hội Trung Quốc, tăng trưởng mơ hồ không có lợi, chỉ có phát triển chất lượng cao và một loạt cả cách kinh tế được thực hiện, thì tăng trưởng kinh tế mới có ý nghĩa thực tế.
Theo báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc, trước tiên chính sách kiểm soát kinh tế vĩ mô của chính phủ sẽ duy trì tính liên tục, tỉnh ổn định và tính bền vững để thúc đẩy nền kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý.
Năm 2021, nền kinh tế Trung Quốc vừa không xuất hiện tình trạng quá nóng, đồng thời cũng không xuất hiện sự “thay đổi đột ngột” về chính sách, tỷ lệ thâm hụt ngân sách được xác định ở mức 3,2%. Bình thường hóa việc xây dựng và mở rộng phạm vi cơ chế ngân sách trực tiếp.
Đồng thời, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, phục vụ nền kinh tế thực được đặt ở vị trí nổi bật hơn, xử lý tốt mối quan hệ giữa phục hồi kinh tế và phòng ngừa rủi ro. Tốc độ tăng cung tiền và quy mô huy động vốn xã hội phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa, duy trì thanh khoản hợp lý, bảo đảm tỷ lệ đòn bẫy vĩ mô cơ bản ổn định.
Duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá Nhân dân tệ ở mức hợp lý và cân bằng. Tóm lại, về chính sách tài khóa và tiền tệ, năm 2021 sẽ tiếp tục xu thế của cuối năm 2020, kiên trì giữ vững ổn định. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung nguồn lực vào một số chương trình cải cách và phát triển nền kinh tế thực.
Theo nội dung Báo cáo Công tác Chính phủ Trung Quốc, năm 2021 Trung Quốc sẽ tập trung vào những nội dung sau: Thứ nhất, đi sâu cải cách các lĩnh vực trọng điểm, kích hoạt hơn nữa sức sống của các chủ thể thị trường;
Thứ hai, thực hiện chính sách hoãn nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, tăng cường tái cấp vốn và tái chiết khấu để hỗ trợ tài chính toàn diện, đẩy mạnh giải quyết vấn đề huy động cốn khó khăn của doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ;
Thứ ba, triển khai mạnh mẽ chương trình hành động 3 năm về cải cách doanh nghiệp nhà nước, tăng cường, tối ưu hóa và mở rộng vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Đi sâu cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp doanh nghiệp nhà nước;
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hệ thống tài chính và thuế;
Thứ năm, dựa vào đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển chất lượng cao nền kinh tế thực, bồi dưỡng và mở rộng động lực mới. Nâng cao động lực đổi mới sáng tạo công nghệ, tăng cường sức mạnh khoa học công nghệ chiến lược quốc gia, thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm quốc gia, hoàn thiện bố cục các dự án khoa học công nghệ và cơ sở đổi mới sáng tạo;
Thứ sáu, kiên trì vai trò cơ bản của chiến lược mở rộng tiêu dùng trong nước. Trong đó, gia tăng thu nhập của người dân bằng nhiều kênh, kiện toàn hệ thống lưu thông giữa nông thôn và thành thị, đẩy nhanh tốc độ thương mại điện tử, chuyển phát nhanh đến nông thôn, mở rộng tiêu dùng hương trấn, tăng trưởng ổn định việc tiêu thụ các hàng hóa chiến lược như ô tô, điện… sẽ trở thành phương hướng và biện pháp chủ yếu để mở rộng tiêu dùng trong nước năm 2021 của Trung Quốc;
Thứ bảy, thông qua việc thực hiện toàn diện chiến lược chấn hưng nông thôn để thúc đẩy phát triển ổn định nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân;
Thứ tám, hợp tác quốc tế ở phạm vi rộng hơn, lĩnh vực nhiều hơn, mức độ sâu hơn. Trong đó, thúc đẩy Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhanh chóng có hiệu lực, ký kết Hiệp định đầu tư Trung Quốc-Liên minh châu Âu, đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, tích cực xem xét tham gia Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại Trung-Mỹ bình đẳng và cùng có lợi phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau đều sẽ trở thành nhiệm vụ quan trọng trong công tác kinh tế của Chính phủ Trung Quốc năm 2021;
Thứ chín, tăng cường phòng chống, xử lý ô nhiễm môi trường và xây dựng sinh thái; nắm chắc và thực hiện tốt các công tác “đỉnh cacbon”, “trung hòa cacbon”;
Thứ mười, nhấn mạnh các chính sách tăng cường thiết thực phúc lợi của người dân trong năm 2021 như giáo dục công bằng hơn và chất lượng cao hơn; cải cách sâu rộng hệ thống phòng, chống dịch bệnh; đi sâu cải cách toàn diện hệ thống bệnh viện công; đảm bảo nhu cầu nhà ở của người dân, ổn định giá đất, giá nhà, kỳ vọng; thúc đẩy quy hoạch thống nhất trên cả nước về bảo hiểm dưỡng lão, tăng cường an sinh xã hội…
Tóm lại, trọng tâm của toàn bộ báo cáo công tác chính phủ năm 2021 là ổn định và chắc chắn. Chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu và nới lỏng sinh đẻ được thảo luận sôi nổi trước đây không được đề cập đến.
Bất kể đó là chính sách tài khóa, tiền tệ, hay các chính sách công nghiệp và dân sinh đều dựa trên cơ sở ổn định, Trung Quốc hy vọng có thể tiếp tục tiến trình cải cách bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, đồng thời cố gắng đạt được những kết quả thiết thực.
Đây sẽ là quan điểm chủ đạo trong công tác kinh tế của chính phủ Trung Quốc năm 2021. Trên cơ sở củng cố và phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2021, việc cải cách thị trường vốn và sự phát triển của nền kinh tế thực Trung Quốc sẽ đón nhận một quá trình tăng tốc.
(Nguồn: TTXVN)