Được tài trợ bởi ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa hiện tại bắt đầu vào tháng Tư vừa qua, gói kích thích nói trên được đưa ra sau kế hoạch chi tiêu kỷ lục trị giá 1.100 tỷ USD đươc triển khai hồi tháng trước để “giảm sốc” cho nền kinh tế trước ảnh hưởng từ dịch COVID-19 .
Theo Nikkei, ngân sách bổ sung thứ hai, với trị giá 100.000 tỷ yen (929,45 tỷ USD), sẽ bao gồm 60.000 tỷ yen để mở rộng các chương trình cho vay dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua các thể chế tài chính tư nhân và liên kết với nhà nước. 27.000 tỷ yen nữa sẽ được dành cho các chương trình cứu trợ tài chính khác, trong đó có 15.000 tỷ yen cho một chương trình mới nhằm “bơm” vốn cho các công ty đang gặp khó khăn.
Ngoài ra, gói ngân sách lần này còn bao gồm trợ cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trả tiền thuê và lương cho nhân viên khi ngừng hoạt động kinh doanh.
Nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái trong quý I/2020. Ảnh: Minh họa. |
Chính phủ Nhật Bản được dự đoán sẽ thông qua ngân sách nói trên tại một cuộc họp Nội các vào ngày 27/5 tới. Đây sẽ là nỗ lực mới nhất của Tokyo nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang trên đà hướng đến đợt sụt giảm sâu nhất trong lịch sử thời hậu chiến, khi dịch COVID-19 đã làm tê liệt các doanh nghiệp và hoạt động chi tiêu tiêu dùng.
Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở nhiều vùng, và dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trong ngày 25/5 để quyết định xem liệu có nên thực hiện tương tự với các khu vực còn lại hay không, trong đó có cả thủ đô Tokyo. Bộ trưởng Tài chính Taro Aso mới đây cho biết: “Kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng cực kỳ khó khăn và chúng tôi cần thoát ra khỏi tình hình này sớm nhất có thể”.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã rơi vào suy thoái trong quý vừa qua, và giới phân tích dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ còn giảm đến 22% trong quý hiện tại bởi tác động của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19.
Tình hình này đã buộc chính phủ phải tăng nợ công, vốn đang ở mức gấp hai lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), để chi cho những kế hoạch chi tiêu lớn.
(Nguồn: TTXVN/Nikkei)