Theo Guardian, trong một tuyên bố chung phát đi ngày 2/1, 11 thượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ đắc cử do ông Ted Cruz dẫn đầu cho biết họ có kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn và đề nghị một ủy ban bầu cử tiền hành "thanh tra khẩn cấp trong 10 ngày" kết quả bầu cử ở những bang gây tranh cãi.
Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz tại Washington. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh Cruz, 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa còn lại bao gồm Ron Johnson (bang Wisconsin), James Lankford (bang Oklahoma), Steve Daines (bang Montana), John Kennedy (bang Louisiana ), Marsha Blackburn (bang Tennessee), Mike Braun (bang Indiana), Cynthia Lummis (bang Wyoming), Roger Marshall (bang Kansas), Bill Hagerty (bang Tennessee) và Tommy Tuberville (bang Alabama).
Họ cũng nhấn mạnh thêm rằng, cuộc biểu quyết của quốc hội vào ngày 6/1 tới là thẩm quyền còn lại duy nhất để xem xét và buộc giải quyết nhiều cáo buộc gian lận bầu cử nghiêm trọng.
Trong thông cáo trên, họ không nêu cụ thể họ định phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở bang nào, nhưng trước đó, ông Josh Hawley, thượng nghị sĩ đầu tiên tuyên bố phản đối kết quả bầu cử, phát tín hiệu rằng ông sẽ thách thức kết quả tại ít nhất một bang là Pennsylvania, theo Dân Trí.
"Gian lận phiếu bầu đã đặt ra một thách thức dai dẳng trong các cuộc bầu cử của chúng ta dù quy mô và phạm vi của nó còn tranh cãi. Dù đo đếm bằng bất kỳ cách nào, các cáo buộc về gian lận và bất thường trong cuộc bầu cử năm 2020 đều vượt quá mọi giới hạn trong cuộc đời chúng tôi", 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa cho biết trong tuyên bố chung.
"Quốc hội nên chỉ định ngay một Ủy ban Bầu cử, với đầy đủ quyền điều tra và tìm hiểu thực tế, để kiểm phiếu khẩn cấp trong 10 ngày ở các bang có tranh chấp", tuyên bố có đoạn. "Sau khi hoàn tất kiểm phiếu lại, các bang sẽ đánh giá kết quả của ủy ban và có thể triệu tập một phiên họp đặc biệt để chứng nhận sự thay đổi trong phiếu bầu của họ, nếu cần".
Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri là thượng nghị sĩ đầu tiên tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử trong cuộc họp lưỡng viện ngày 6/1. Ảnh: AP. |
Theo đó, 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa khẳng định sẽ không chấp nhận các đại cử tri đến từ những bang tranh chấp cho đến khi cuộc kiểm phiếu lại khẩn cấp trong 10 ngày hoàn thành.
Tổng thống Donald Trump cùng đồng minh vẫn tiếp tục lên kế hoạch "lật kèo" bầu cử, bất chấp các tòa án, thống đốc, quan chức bầu cử, Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan trong chính quyền Mỹ đều khẳng định không tìm ra bằng chứng gian lận bầu cử hồi tháng 11.
Phó tổng thống Mike Pence kiêm Chủ tịch Thượng viện ngày 6/1 sẽ chủ trì phiên họp xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn và tuyên bố người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Trump và các đồng minh dự định để các nghị sĩ Cộng hòa nộp văn bản kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở các bang chiến trường bị cáo buộc gian lận, theo VnExpress.
Họ lên phương án nộp danh sách đại cử tri thay thế và đã đệ đơn kiện yêu cầu thẩm phán liên bang tuyên bố Phó tổng thống Pence là người duy nhất có quyền định đoạt phiếu đại cử tri, qua đó tuyên bố Trump là người chiến thắng. Tuy nhiên, mọi kịch bản "lật kèo" bầu cử đều được nhận định không có khả năng thành công.
(Tổng hợp)