Asian Nikkei Review đưa tin, chính quyền Nhật Bản kết luận, các công ty vận hành cửa hàng tiện lợi có điều khoản buộc bên nhận nhượng quyền phải mở cửa suốt 24/24 giờ là vi phạm luật chống độc quyền. Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) đã đưa ra kết luận này dựa trên cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 10 năm ngoái đối với 8 công ty cửa hàng tiện lợi lớn và 12.000 cửa hàng.
Cuộc khảo sát cho thấy 66,8% địa điểm được nhượng quyền muốn chuyển sang thời gian ngắn hơn, do thiếu lao động. Hình thức này sẽ áp dụng vĩnh viễn hoặc trên cơ sở thử nghiệm. Nhưng 8,7% nhà điều hành các cửa hàng cho biết, chủ sở hữu chuỗi tương ứng của họ đã từ chối thảo luận về khả năng này.
Việc từ chối yêu cầu của các công ty chủ quản đối với thời gian hoạt động cả ngày sẽ mang đến một số bất lợi cho bên nhận nhượng quyền. Vì thế, bên nhận nhượng quyền buộc phải chấp nhận mở cửa 24/24 giờ. Hiện, các công ty chủ quản các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn đang được lệnh phải khắc phục vấn đề trên và báo cáo lại vào cuối tháng 11 tới.
Các công ty chủ quản không thể bắt bên nhận nhượng quyền cửa hàng tiện lợi hoạt động cả ngày. Ảnh: Nippon |
JFTC còn phát hiện các trường hợp công ty sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi bị cáo buộc vi phạm lời hứa với các đối tác nhận nhượng quyền, rằng không mở các cửa hàng mới gần đó. Uỷ ban cho biết, điều này có thể vi phạm luật chống độc quyền.
Hơn 2/3 số người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy có rất nhiều cửa hàng trong khu vực lân cận. Một bên nhận nhượng quyền cho biết trụ sở chính đã cam kết không mở cửa hàng khác trong phạm vi 500 m, nhưng cửa hàng mới được mở cách đó 300m. Những người chủ khác cũng chỉ ra những câu chuyện tương tự.
Mô hình hoạt động 24 giờ ngày càng trở nên khó duy trì trong một ngành công nghiệp đang thiếu hụt lao động triền miên, và mối quan tâm ngày càng tăng về thời gian và điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ hơn buộc cả chủ sở hữu và nhân viên cửa hàng. Chính quyền Nhật đang tìm cách khuyến khích các chuỗi áp dụng mô hình kinh doanh công bằng và bền vững hơn.
Mô hình nhượng quyền cho phép các chuỗi cửa hàng tiện lợi mở rộng dựa trên vốn tự có và nhân sự của bên nhượng quyền, đồng thời cho phép các bên nhận nhượng quyền cửa hàng tiếp cận với thương hiệu và bí quyết của chuỗi. Các thỏa thuận như vậy nên được dựa trên mối quan hệ bình đẳng. Nhưng trên thực tế, chủ sở hữu chuỗi có thể dễ dàng tận dụng vị thế mạnh hơn nhiều của mình, để gây áp lực lên các bên nhận nhượng quyền.
Năm 2009, 7-Eleven Nhật Bản đã bị JFTC ban hành lệnh ngừng hoạt động, vì những hạn chế không công bằng đối với đối tác nhận nhượng quyền về chiết khấu hàng tồn kho. Trong cuộc khảo sát năm đó, 12% bên nhận nhượng quyền được khảo sát cho biết họ đã phải đối mặt với những hạn chế về việc giảm giá tại một số thời điểm trong ba năm trước đó, trong khi 47,5% buộc phải mua nhiều hàng tồn kho hơn mức cần thiết.
Các nhà kinh doanh nhận nhượng quyền phải gánh toàn bộ chi phí xử lý thực phẩm hết hạn sử dụng. Việc hạn chế bán các mặt hàng với giá thấp hơn trước khi chúng hết hạn sử dụng, và yêu cầu mua nhiều hàng tồn kho hơn mức cần thiết có thể cắt giảm trực tiếp lợi nhuận của họ.
7-Eleven từng bị phạt vì bắt đối tác nhận nhượng quyền mua nhiều hàng tồn kho. Ảnh: ANR |
Báo cáo của JFTC nhắc lại rằng, khả năng điều chỉnh giá của các chủ cửa hàng khi cần thiết "không bị hạn chế”. Họ cũng lưu ý "nhiều chủ sở hữu nhận nhượng quyền bày tỏ quan ngại sâu sắc" về hạn ngạch mua hàng, "các vấn đề chống độc quyền có thể phát sinh tùy thuộc vào mối quan hệ kinh doanh”.
Tổng thư ký JFTC Shuichi Sugahisa cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng các trụ sở chính sẽ xem xét các tình huống của chính chuỗi của họ, và tiến tới cải thiện môi trường kinh doanh. Mọi hoạt động vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh”.