Giải thưởng được trao cho ba nhà khoa học là John B. Goodenough, sinh tại Đức vào năm 1922 và đang làm việc tại Đại học Texas (Mỹ); Stanley Wittingham, sinh tại Anh vào năm 1941 và đang làm việc tại Đại học Binghamton, New York (Mỹ); cùng với ông Akira Yoshino, sinh tại Nhật Bản vào năm 1948, đang làm việc cho tập đoàn Asahi Kasei và Đại học Meijo ở Nagoya (Nhật Bản).
Tại buổi họp báo công bố giải hôm 9/10, nhà lý-hóa học Sara Snogerup Linse, Chủ tịch Ủy ban Nobel về Hóa học, nhấn mạnh pin lithium-ion với trọng lượng nhẹ mà các 3 nhà khoa học nghiên cứu phát triển đã giúp đưa thế giới "tiếp cận với một cuộc cách mạng công nghệ mới".
Những nghiên cứu của các nhà khoa học này từ thập niên 1970 đã giúp tạo ra được pin lithium và được ứng dụng rộng rãi trên đủ thiết bị công nghệ hiện nay, từ điện thoại di động đến máy tính xách tay, xe điện và thu ổn định các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.
Ba nhà khoa học được giải Nobel Hóa học 2019. Ảnh: Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. |
Trong gần 119 năm qua, đã có tổng cộng 110 giải thưởng Nobel Hóa học được trao cho 181 nhà khoa học trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có 5 nữ khoa học gia nhận giải Nobel Hóa học trong lịch sử. Giải thưởng Nobel Hóa học không được trao vào các năm 1916, 1917, 1919, 1924, 1933, 1940, 1941 và 1942.
Nhà khoa học trẻ tuổi nhất từng nhận được giải thưởng danh giá này là Frederic Joliot-Curie, một bác sĩ người Pháp, vào năm 1935 ở tuổi 35. Ông nhận giải cùng với vợ mình là Irene Joliot-Curie (con gái của Marie Curie) sau khi hai người phát hiện ra hoạt động phóng xạ nhân tạo. Người có tuổi đời lớn nhất từng được trao giải Nobel Hóa học là John B. Fenn, nhà khoa học người Mỹ, vào năm 2002.
Trong di chúc cuối đời, nhà khoa học Alfred Nobel tuyên bố để lại 94% gia tài để vinh danh những người có cống hiến “vĩ đại nhất cho nhân loại” trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y Sinh, Văn học và Hòa bình. Người được Nobel ủy thác thực hiện di chúc là hai kỹ sư trẻ Ragnar Sohlman và Rudolf Lilljequist.
Họ lập ra Quỹ Nobel quản lý khối tài sản do nhà phát minh thuốc nổ để lại. Có 5 giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901. Đến năm 1969, Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Kinh tế học tưởng nhớ Nobel (thường được biết đến với tên gọi giải "Nobel Kinh tế") ra đời và được trao để vinh danh Alfred Nobel.