Trong nhiều năm, nhà báo giàu nhất hành tinh Anderson Cooper đã bỏ qua "Ngày của Cha", bởi đó là lời nhắc nhở đau đớn về việc mất cha khi ông mới 10 tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021, ông nói: "Tôi chỉ không thừa nhận Ngày của Cha. Trong những ngày lễ và đặc biệt là 'Ngày của Cha', nếu bạn không có bố, cảm giác buồn khó tả, không thể giải thích được. Mất cha là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời tôi".
Khi Anderson Cooper đến tuổi thanh niên, ông mất cả anh trai khiến nỗi buồn tăng thấp gấp bội. Những mất mát sâu sắc này đã thúc đẩy ông tạo dựng sự nghiệp báo chí thành công.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ mất cha mẹ có nguy cơ học kém ở trường cao hơn gấp đôi so với những đứa trẻ bình thường. |
Trải nghiệm của Anderson Cooper chính là minh chứng cho sự đau buồn không có điểm kết thúc cụ thể, tức ảnh hưởng của nó vẫn có thể được cảm nhận trong nhiều thập kỷ sau và thậm chí còn định hình thế giới quan của một người, và mãi mãi không thể thay đổi được.
Đối với những đứa trẻ, trải nghiệm mất cha mẹ có thể đặc biệt tàn khốc, trầm trọng hơn do chưa đủ nhận thức và khả năng đương đầu. Nếu không được giải quyết, nỗi đau thời thơ ấu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về hành vi và sức khỏe tâm thần.
Mới đây, tờ Strait Times đã đăng tải bài viết phân tích về vấn đề tưởng chừng như không ai quan tâm: Những đứa trẻ sẽ ra sao sau cái chết đột ngột của cha/mẹ?
Theo bài báo, trong nghiên cứu chi tiết nhất về nỗi đau thời thơ ấu sau cái chết của cha/mẹ, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ) phát hiện ra rằng những đứa trẻ mất cha mẹ, 7 năm sau, chúng có nguy cơ học kém ở trường và ở nhà cao gấp đôi so với những đứa trẻ không có tang quyến.
Chúng cũng có nguy cơ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương cao hơn, một phần do tỷ lệ trầm cảm cao hơn trong 2 năm đầu sau cái chết của cha mẹ và khả năng ứng phó kém hơn, khiến chúng dễ bị tổn thương trước các sự kiện xấu xảy ra tiếp theo trong cuộc sống.
Một nghiên cứu khác cho thấy, ở giới trẻ, việc mất cha mẹ sớm có thể dẫn đến năng lực kém hơn trong công việc và lập kế hoạch nghề nghiệp, sự gắn bó với bạn bè và nguyện vọng giáo dục trong tương lai.
Hiệu ứng "gợn sóng của sự đau buồn"
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc mất mát người thân thời thơ ấu, một sự kiện bất lợi thời thơ ấu, với việc lạm dụng chất gây nghiện, lo lắng, trầm cảm và cố gắng tự tử.
Trên thực tế, trẻ có thể biểu hiện nỗi đau buồn bắt đầu ngay cả trước khi cha/mẹ qua đời. Chẳng hạn khi đứa trẻ lần đầu tiên biết được căn bệnh của cha mẹ mình.
Khi căn bệnh ung thư của cô Jasmine tái phát, tin buồn này đã khiến các con của cô bị tổn thương. Điều này thể hiện qua sự hoang tưởng và hành vi lo lắng.
Cụ thể, cậu con trai 12 tuổi, Joseph, bắt đầu xem những nội dung không lành mạnh trên điện thoại do thiếu sự giám sát của mẹ.
Sau khi Jasmine qua đời, cậu con trai khác, Jason, 11 tuổi, lo sợ mình sẽ là người tiếp theo chết vì mắc bệnh tim bẩm sinh.
Sally, cô con gái 9 tuổi của Jasmine đã chia sẻ nỗi buồn với các bạn cùng lớp, nhưng không ngờ lại nhận được lời khuyên tự sát để được đoàn tụ với mẹ.
Ảnh minh họa. |
Với hoàn cảnh gia đình phức tạp như thế, một nhà trị liệu đã được cử đến để giải quyết những quan niệm sai lầm và nỗi sợ hãi của những đứa trẻ, đồng thời chuẩn bị cho chúng đối mặt với sự suy sụp và cái chết của mẹ.
Chồng của Jasmine cũng được khuyến khích nói chuyện với Joseph về việc xem những nội dung không lành mạnh trên Internet. Một Trung tâm Dịch vụ Gia đình và cố vấn trường học của 3 đứa trẻ sau đó đã được cử đến để hỗ trợ gia đình về các vấn đề tài chính và tư vấn.
Trong một số trường hợp, con cái buộc phải trưởng thành nhanh chóng và gánh vác những trách nhiệm nặng nề, vượt xa khả năng trong độ tuổi của chúng khi cha mẹ ngã bệnh.
Một trường hợp khác là câu chuyện của gia đình cô Hasni. Khi tình trạng bệnh của cô trở nên xấu đi, cậu con trai 11 tuổi Fauzi phải vừa làm việc nhà vừa chăm sóc mẹ. Điều này khiến cậu bé buộc phải nghỉ học.
Em cũng phải gánh chịu những cảm xúc bộc phát của Hasni khi cô phải vật lộn với nỗi đau đớn trong cơ thể và thực tế phũ phàng về cái chết sắp xảy ra.
Tất cả những trách nhiệm và cảm xúc khó khăn này đã ảnh hưởng đến Fauzi. Nó cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ của cậu bé với mẹ. Fauzi thường tức giận và cộc cằn mỗi khi tiếp xúc với mẹ.
Em gái của Fauzi, Sharifah, mới 6 tuổi, bắt đầu có dấu hiệu bất an. Trong một lần các nhân viên xã hội đến thăm nhà, cô bé đã cầu xin họ ở lại. Sharifah mô tả em cảm thấy bất lực thế nào khi chứng kiến tình trạng của mẹ ngày càng xấu đi. Cả cô bé và mẹ đều không thể bảo vệ lẫn nhau nữa.
Chồng của Hasni ban đầu không cho phép nhóm nhân viên xã hội tiếp cận bọn trẻ. Sự miễn cưỡng của anh có thể xuất phát từ nỗi đau buồn của chính mình. Anh vẫn đang cố gắng đối mặt với cái chết sắp xảy ra của vợ.
Tuy nhiên, nhân viên y tế xã hội vẫn có thể nói chuyện với bọn trẻ, chủ yếu là khi bố chúng ở bên cạnh, và đặc biệt là sau khi anh bắt đầu cởi mở hơn.
Cảm giác tội lỗi dù không phải do mình
Có 5 giai đoạn đau buồn – phủ nhận, tức giận, mặc cả, trầm cảm và chấp nhận – thường được thảo luận như thể chúng xảy ra theo một trình tự tuần tự. Nhưng thực tế, đối với trẻ em, không đơn giản như vậy.
Bác sĩ tâm thần Elisabeth Kubler-Ross cho rằng bất kỳ ai cũng có thể trải qua những khía cạnh đau buồn này ở những thời điểm khác nhau và không theo bất kỳ trình tự cụ thể nào.
Điều này xảy ra với cả người lớn và trẻ em, mặc dù có những khác biệt chính trong cách phản ứng với cái chết, xử lý và thể hiện sự đau buồn.
Trẻ em thường cảm thấy tội lỗi trước tình trạng sức khỏe ngày càng suy giảm của cha mẹ và cuối cùng là cái chết. Điều này thường kết hợp với sự thiếu hiểu biết về bệnh tật, cái chết.
Nếu không có thông tin thực tế, phù hợp với lứa tuổi, trẻ em có thể lấp đầy khoảng trống bằng những niềm tin sai lầm, bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ đau buồn rằng bằng cách nào đó chúng đã khiến cha mẹ bị ốm - chẳng hạn như do chúng không làm bài tập về nhà hoặc cư xử không đúng mực.
Sau khi cha mẹ qua đời, con cái có thể không tỏ ra buồn bã ngay lập tức nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không biết đau buồn.
Tùy thuộc vào độ tuổi, trẻ em có thể không hiểu hết khái niệm về cái chết - chúng có thể thắc mắc liệu người thân của mình có còn sống hay không, hoặc ước gì người đó có thể quay lại thăm mình. Chúng có thể chưa từng trải qua mất mát người thân hoặc đau buồn trước đó và không biết "phải" phản ứng như thế nào.
Mất đi người cha, người mẹ thân yêu là nỗi đau mà không một đứa trẻ nào đáng phải gánh chịu. Hãy có sự phối hợp giữa các bên liên quan, chẳng hạn như trường học và trung tâm dịch vụ gia đình, sẽ mang lại nhiều cơ hội hỗ trợ hơn.
Đó là nỗ lực tập thể, cái ôm của cộng đồng là tấm lưới an toàn giúp bảo vệ đứa trẻ khi có chuyện đau buồn xảy ra.
Nguồn: Straits Times