Ở nơi đất khách quê người, tìm được một người bạn thân để tâm sự và chia sẻ là điều vô cùng quý giá đối với bất kỳ ai. 2 cô gái trẻ cùng quê hương đi học tập ở một đất nước khác, họ gặp nhau, kết thân với nhau và đồng hành cùng nhau trên con đường chinh phục tri thức. Những tưởng đó là tình cảm bạn bè quý giá nhưng không ngờ lại là khởi nguồn cho bi kịch tàn nhẫn. Đến nay, sau gần 1 thập kỷ, người ta vẫn chưa khỏi xót xa khi nghe lại vụ án cô gái bị bạn thân đầu độc.
Và mới đây, Netflix một lần nữa khơi lại cảm xúc ấy cho nhiều người khi ra mắt bộ phim tài liệu mang tên "Ice Cold: Murder, Coffee and Jessica Wongso" (Tạm dịch: Lạnh như băng: Án mạng, cà phê và Jessica Wongso). Bộ phim nhắc lại cái chết của cô gái trẻ Mirna Salihin mà hung thủ chính là cô bạn thân Jessica Wongso.
Nhiều năm sau cái chết của Mirna, bộ phim của đạo diễn Rob Sixsmith, ra mắt hôm 28/9, muốn đi sâu vào các câu hỏi liên quan đến phiên tòa xét xử Jessica Wongso.
Netflix ra mắt bộ phim tài liệu mang tên "Ice Cold: Murder, Coffee and Jessica Wongso". |
Đôi bạn kết thân nơi xứ người
Sinh ra ở Indonesia, Jessica Wongso và Mirna Salihinb đều là sinh viên của Trường Cao đẳng Thiết kế Billy Blue ở thành phố Sydney, Australia. Họ là đôi bạn khá thân thiết và thường chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, khi khóa học kết thúc, Mirna trở về Indonesia làm việc trong khi Jessica vẫn ở lại Úc, làm nhà thiết kế đồ họa cho New South Wales Ambulance (dịch vụ xe cứu thương NSW Ambulance).
Jessica (trái) và Mirna là bạn thân khi học tập ở Australia. |
Trong khoảng 7 năm Jessica ở lại Úc, thời gian đó, cô và Mirna xa cách về mặt khoảng cách vì 2 người ở 2 đất nước khác nhau. Sau đó, Jessica sau đó quay trở lại Indonesia và rất hào hứng được gặp lại các bạn cũ, kể cả Mirna, bạn thân thiết thời còn đi học.
Ngỡ rằng, cuộc gặp gỡ sau thời gian dài xa cách sẽ đầy cảm xúc nhưng không ngờ nó trở thành ngày cuối cùng trong cuộc đời của Mirna.
Nạn nhân đã chết như thế nào?
Ngày 6 tháng 1 năm 2016, Mirna Salihin háo hức được gặp bạn thân tại quán cà phê Olivier. Hai người dự định gặp nhau vào khoảng 5 giờ chiều hôm đó. Jessica xung phong đặt chỗ tại quán nổi tiếng bằng cách đến sớm, từ lúc 3h32'. Sau đó, cô quay lại lúc 4h14' chiều để đợi Mirna sau khi gọi cốc cà phê đá và hai thứ đồ uống khác.
Khoảng 5h16' chiều, Mirna đến quán cà phê và mừng rỡ khi gặp lại Jessica. Khi 2 người bạn trò chuyện với nhau, Mirna đã uống một ít cà phê trong cốc đồ uống cô bạn thân gọi sẵn và phàn nàn rằng nó không ngon.
Không lâu sau, cô bắt đầu co giật và bất tỉnh. Nhân viên nhà hàng hoảng hốt gọi xe cấp cứu đưa Mirna tới Bệnh viện Abdi Waluyo. Bất chấp những nỗ lực hết mình của các chuyên gia y tế, Mirna đã qua đời lúc 6 giờ chiều.
Mặc dù có một số điều cấm kỵ liên quan đến quá trình khám nghiệm tử thi ở Indonesia, nhưng cảnh sát vẫn kêu gọi gia đình Mirna cho phép tiến hành thủ tục này vì họ nghi ngờ rằng cô đã bị đầu độc. Cha của nạn nhân, ông Edi Salihin, đã đồng ý để hoạt động khám nghiệm tử thi diễn ra vào ngày 10 tháng 1 năm 2016 (tức 4 ngày sau cái chết của cô gái).
Ông Edi Salihin, cha của nạn nhân, xuất hiện trong bộ phim của Netflix. |
Thực tế, cảnh sát cũng đã tiến hành khám nghiệm tử thi vào khoảng 70 phút sau cái chết của Mirna, nhưng lần khám nghiệm thứ 2 này mới xuất hiện dấu vết của xyanua. Chất độc này được tìm thấy trong dạ dày của Mirna. Cô cũng có dấu hiệu chảy máu dạ dày.
Cảnh sát đã tìm thấy chất độc xyanua trong cà phê mà Mirna đã uống ở quán cà phê Olivier. Jessica trở thành nghi phạm chính trong vụ án vì cô là người gọi đồ uống và bị cáo buộc đã cố gắng "che mắt camera" bằng chiếc túi mua sắm.
Hình ảnh CCTV cho thấy Jessica Kumala Wongso hạ độc bạn thân. |
Đoạn phim CCTV cho thấy một thời điểm trước khi Mirna đến, Jessica đã dịch chuyển chiếc túi mua sắm của mình để giấu cốc đồ uống khỏi sự theo dõi của camera.
Ngày 30 tháng 1 năm 2016, Jessica bị bắt giam vì tội giết Mirna có chủ ý. Vụ việc thu hút sự chú ý của giới truyền thông ở Indonesia và cả quốc tế. Vụ án gây rúng động và được biết đến rộng rãi với cái tên "vụ cà phê xyanua".
Vào thời điểm chất độc phát tác khiến nạn nhân sùi bọt mép co giật, qua camera theo dõi, các nhà điều tra nhìn thấy một nụ cười lạnh lùng xuất hiện trên khuôn mặt của Jessica mặc cho những người khác đang hoảng loạn cứu giúp Mirna. Jessica dường như cảm thấy mãn nguyện khi bạn thân đã ra đi theo đúng như ý muốn của mình.
Nguồn cơn bắt đầu từ lời khuyên của cô bạn thân
Mirna và Jessica là bạn thân lâu ngày mới gặp lại. Không ai nghĩ họ có thể có mâu thuẫn đến mức phải "trừ khử" nhau như thế. Nhưng theo báo điều tra, lý do đằng sau cái chết của Merina là những lời khuyên về chuyện tình cảm của cô dành cho bạn thân.
Trong phiên tòa sơ thẩm, Jessica đã kể rằng cô bạn Mirna đã khuyên cô nên chia tay với bạn trai người Australia tên Patrick O'Connordo do anh chàng kia rất thô lỗ và nghiện ma túy.
"Mirna không muốn tôi hẹn hò với một gã tồi như vậy khi anh ta thậm chí còn không có tương lai", Jessica cho biết. Các nhà điều tra cho rằng Jessica có thể đã lên kế hoạch làm hại Mirna do những lời lẽ gay gắt của cô về người yêu cũ của Jessica. Cũng có giả thuyết cho rằng Jessica ghen tị với việc bạn mình đã kết hôn và đang có một cuộc sống hạnh phúc.
Theo Aisa One, Jessica được cho là vẫn bị tổn thương sau lần chia tay với bạn trai vào cuối năm 2014. Trong khoảng thời gian ở Australia, cuộc sống Jessica không đơn giản như nhiều người tưởng. Cô đã từng có liên quan đến 4 lần cố gắng tự tử dẫn đến việc phải nhập viện. Ngoài ra, Jessica còn bị cáo buộc từng gây tai nạn trên đường khi say rượu và được cho là đã đe dọa đồng nghiệp cùng sếp của mình. Chính quyền Australia cũng cung cấp thông tin rằng người bạn trai cũ của Jessica đã phải xin "Lệnh ngăn chặn bạo lực" do Jessica thường có những hành vi không làm chủ được cảm xúc.
Nụ cười lạnh lùng của kẻ giết người
Ngày 27 tháng 10 năm 2016, sau nhiều tháng ròng thụ lý vụ án, tòa án tại Jakarta đã đưa ra mức án 20 năm tù cho Jessica Wongso với tội danh giết người có chủ ý. Jessica tỏ ra không mấy sợ hãi khi nghe tuyên án. Cô cho biết sẽ tiếp tục theo vụ án tới cùng.
"Tôi không chấp nhận phán quyết này của tòa án vì với tôi, nó không hề công bằng và chỉ một chiều", Jessica trả lời phỏng vấn sau khi nghe tuyên án.
Không chỉ phủ nhận hành vi giết người, Jessica còn mỉm cười rất tươi khi được truyền thông phỏng vấn bên ngoài phiên tòa. Khi được hỏi "Cô có bỏ chất độc xyanua vào đó (cốc cà phê đá) không?", Jessica vẫn mỉm cười. Trước đó, một đoạn video được quay sau khi Jessica bị bắt giữ cũng cho thấy hình ảnh cô này mỉm cười và giơ ngón tay cái một cách đầy hứng khởi với truyền thông.
Jessica liên tục mỉm cười trước truyền thông. |
Trong quá trình bào chữa, luật sư đại diện cho Jessica phản biện rằng Mirna không hẳn là chết do thuốc độc trong tách cà phê vì nó chỉ chứa một lượng rất nhỏ. Cái chết của cô gái trẻ kia có thể do nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, quan tòa đã phủ nhận bào chữa này khi lượng thuốc độc xâm nhập vào cơ thể Mirna đạt tới 300mg.
Kể từ khi bị kết án, Jessica đã liên tục kháng cáo với hy vọng lật ngược bản án nhưng kết quả vẫn như cũ.
Trong quá trình thực hiện bộ phim tài liệu, các nhà làm phim của Netflix nhấn mạnh rằng họ đã nhiều lần cố gắng phỏng vấn Jessica nhưng đều bị từ chối.
Vụ án này đến nay vẫn biết đến rộng rãi là "vụ cà phê xyanua". Vụ việc thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận suốt thời gian dài. Mỗi phiên tòa xét xử hút hàng triệu người xem trên đài truyền hình quốc gia. Ông Hardly Stefano, ủy viên Ủy ban Phát thanh Truyền hình Indonesia (KPI), cho biết trong bộ phim tài liệu của Netflix rằng: "Chưa bao giờ có vụ án nào ở Indonesia lại thu hút nhiều sự chú ý của công chúng như vụ này".
Jessica được mệnh danh là “sát thủ cà phê hay cười” vì nụ cười lạnh lùng của cô ta khi xuất hiện ở các phiên tòa và cả trước ống kính truyền thông. Đến nay vẫn không ai lý giải nổi vì sao Jessica lại có thể thoải mái cười mà không có chút ăn năn hối cải nào sau khi giết chết bạn thân.
Nguồn: The Cinema Holic, Asia One