Tối 30/6, trong một buổi lễ được tổ chức tại Tòa án Tối cao Mỹ, Thẩm phán Ketanji Brown Jackson đã tuyên thệ nhậm chức. Bà trở thành nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử cơ quan lập pháp quyền lực nhất Mỹ.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn bà Ketanji Brown Jackson trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ vào ngày 7/4. Đây được xem là quyết định có tính lịch sử vì bà Jackson là người phụ nữ da màu đầu tiên đảm nhận vị trí này.
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson (Ảnh: AP). |
Bà Jackson, 51 tuổi, người có kinh nghiệm 9 năm làm thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang, đã nhận vị trí trên với số phiếu ủng hộ và phản đối lần lượt là 53 và 47.
"Với tất cả tâm huyết, tôi xin nhận trách nhiệm thiêng liêng phát huy và bảo vệ Hiến pháp Mỹ, đồng thời thực thi công lý không sợ hãi hay thiên vị", bà nói trong lễ nhậm chức.
Sau khi tốt nghiệp Trường luật Harvard, bà Jackson từng làm việc như một trợ lý cho các thẩm phán Patti Saris tại Tòa án Quận Massachusetts và thẩm phán Bruce Selya tại Tòa Phúc thẩm Khu vực 1. Sau đó, bà hành nghề luật sư tại công ty luật Miller Cassidy Larroca & Lewin ở thủ đô Washington D.C.
Năm 1999, bà vượt qua rất nhiều ứng viên khác để trở thành trợ lý cho thẩm phán Stephen Breyer trong vòng một năm.
Năm 2009, bà Jackson được cựu Tổng thống Barack Obama đề cử làm phó chủ tịch của Ủy ban Hình phạt liên bang Mỹ, một cơ quan độc lập trong hệ thống tư pháp với nhiệm vụ chính là ban hành Bộ hướng dẫn áp dụng hình phạt mà các cơ quan Công tố và Tòa án liên bang đều phải tham chiếu trước khi đưa ra các quan điểm và quyết định về hình phạt.
Năm 2012, một lần nữa cựu Tổng thống Obama đề cử bà vào vị trí thẩm phán của Tòa án Quận Washington D.C. Đề cử của bà nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện vào ngày 22/3/2013. Thẩm phán Jackson tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5 năm 2013.
Bà Jackson sẽ là thẩm phán Tòa án Tối cao da màu thứ 3, sau ông Thurgood Marshall và Clarence Thomas. Bà là nữ thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 6 trong lịch sử. Sau khi nhậm chức, Tòa án Tối cao có 4 nữ thẩm phán, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử cơ quan này có 4/9 thẩm phán là phụ nữ.
"Tôi đã làm thẩm phán gần một thập kỷ. Tôi nhận thức sự độc lập là trách nhiệm và nghĩa vụ rất quan trọng. Tôi ra quyết định trong từng vụ án với lập trường trung lập. Tôi đánh giá chứng cứ, diễn giải và áp dụng luật dựa trên chứng cứ vụ án được trình bày trước mắt, không bị chi phối bởi nỗi sợ hãi hay thiên vị, theo đúng lời thề của tôi", bà chia sẻ trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện hồi tháng 4.