Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với 3.219.999 ca nhiễm và 135.808 ca tử vong. Theo thống kê của Đại học John Hopkins, Mỹ, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 65.551 ca.
Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát. Xếp sau Mỹ là Brazil với 1.759.103 ca nhiễm và 69.254 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, ngày 9/7, Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Añez cho biết bà đã dương tính với COVID-19. Thông báo trên mạng xã hội Twitter, bà Añez khẳng định sức khỏe vẫn bình thường và sẽ vẫn tiếp tục làm việc trong thời gian cách ly.
Bà Añez đã tiến hành kiểm tra sức khỏe và làm xét nghiệm sau khi nhiều thành viên trong nội các và các trợ lý thân cận bị nhiễm COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bolivia đã ghi nhận hơn 42.000 ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 1.500 ca tử vong. Bộ Y tế Bolivia dự báo đỉnh dịch tại nước này có thể đến trong khoảng tháng 8 và 9, thời điểm dự kiến sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử.
Tổng thống Bolivia Jeanine Anez. Ảnh: Reuters. |
Cùng ngày, Chính phủ Peru thông báo Bộ trưởng Sản xuất nước này Rocío Barrios hiện đang tự cách ly do nhiễm COVID-19, sau khi dẫn đầu đoàn công tác phụ trách cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực Loreto thuộc vùng rừng rậm Amazon, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này.
Peru hiện vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 tại Mỹ Latinh, sau Brazil, với hơn 312.900 ca nhiễm, trong đó có 11.133 ca tử vong.
Một nhân viên y tế Bolivia đeo khẩu trang và mặt nạ chống Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico thông báo trong 24h qua, số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng 7.280 ca lên 282.283 ca, cũng là mức tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng thêm 730 ca lên 33.526 ca. Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell cho biết tốc độ lây nhiễm ở Mexico đã bắt đầu chậm lại, nhưng số ca nhiễm vẫn đang trong xu hướng tăng. Quan chức này nhận định số ca tử vong thực do COVID-19 có thể cao gấp 3 lần so với con số thống kê.
Tại khu vực Trung Mỹ, bất chấp những biện pháp mạnh của chính phủ, số ca mắc COVID-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca nhiễm là 110.181 ca, trong đó có 2.893 ca tử vong.
Chính quyền bang Victoria , Australia phản ứng trước sự bùng phát dịch COVID-19. (Ảnh: Getty Images) |
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ngày 9/7 đã ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới và tất cả đều là ca "nhập khẩu". Tính đến ngày 9/7, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 83.585 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân hồi phục và xuất viện là 78.609 người.
Tại Israel, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Thiếu tướng Aviv Kochavi đã được cách ly theo dõi do nghi mắc COVID-19. Trong vài tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tại Israel đã tăng lên nhanh chóng. Israel hiện có tổng cộng 34.825 ca nhiễm và 348 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi nhận định các quốc gia châu Phi cần đẩy mạnh năng lực xét nghiệm COVID-19, cũng như tăng cường khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại châu lục này đã vượt quá nửa triệu người.
Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) ra mắt một liên doanh chuyên thực hiện việc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 tại châu lục.
Được vận hành bởi CDC châu Phi, liên doanh này dự kiến sẽ tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm khoảng 10 loại vaccine trong thời gian tới. Cho tới thời điểm hiện tại, Nam Phi và Ai Cập là 2 quốc gia châu Phi đang tiến hành thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người.
Ngày 9/7, Trung Quốc bác bỏ phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Bắc Kinh đã không nói cho thế giới biết sự thật về dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh, phát biểu này một lần nữa cho thấy bản chất của ông Pompeo là lừa đảo và dối trá. Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: "Nói về sự đáng tin, Mỹ với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" đã liên tục từ bỏ các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình, thường xuyên rút khỏi các hiệp ước và ra khỏi các tổ chức quốc tế, bắt đầu trở thành kẻ gây rối lớn nhấn trong những năm gần đây... Về trách nhiệm giải trình, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã vượt quá 3 triệu ca, với hơn 130.000 ca tử vong, Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm không thể chối cãi về điều này...". Theo người phát ngôn này, Trung Quốc hối thúc Mỹ lắng nghe những ý kiến phải đối mạnh mẽ việc nước này thường xuyên rút khỏi các hiệp ước và tổ chức. Ông còn khẳng định, sau khi bùng phát COVID19, Trung Quốc đã nhanh chóng thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thời gian hai bên công bố rõ ràng khớp với những thực tế liên quan và có thể được xác minh cho nhau. Việc bóp méo sự thật và đổ lỗi không thể che đậy được những sai lầm của Chính phủ Mỹ trong công tác xử lý đại dịch này. |
(Nguồn TTXVN/Reuters/AP)