Nikkei Asia Review đưa tin, lượng nước đổ về đập Tam Hiệp (Trung Quốc) ngày 21/8 là khoảng 71.000 m3/giây, đã giảm 5% so với một ngày trước đó. Dù vậy lượng nước trong hồ chứa tại đây vẫn tăng lên mức 166 m, do nhà chức trách giảm lưu lượng xả xuống hạ lưu.
Nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp hiện đã ở mức 166 m. Ảnh: China Daily. |
Thông thường khi vào mùa đông, lượng mưa giảm thì lượng nước được tích trữ trong hồ chứa đập Tam Điệp sẽ được giới hạn ở mức 175 m đảm bảo giao thông và hiệu quả của máy phát điện, còn mùa hè là 145 m nhằm kiểm soát lũ. Tuy nhiên mực nước hiện tại đã ở mức 166 m, vượt hơn 20 m so với quy định. Điều này khiến đập thủy điện chịu sức ép lớn.
Nếu đập Tam Hiệp có sự cố thì nước của hồ chứa sẽ tràn xuống hạ lưu, gây ảnh hưởng đến 400 triệu người.
Đập Tam Hiệp được hoàn thành vào năm 2012 với mục đích sản xuất điện và chế ngự sông Trường Giang. Đập cao 185 m, rộng 2,3 km, có sức chứa 39,3 tỷ m3 nước, với công suất phát điện tương đương 20 lò phản ứng hạt nhân tiêu chuẩn.
Các đập thủy điện lớn ở Trung Quốc đã tích trữ 100 tỷ m3 nước lũ trong năm nay, giúp 18,5 triệu cư dân tránh được cảnh sơ tán. Chỉ riêng dự án Tam Hiệp đã giúp giảm 34% lượng nước lũ ở hạ lưu. Tuy nhiên lượng mưa ở lưu vực sống Trường Giang vào năm 2020 đã cao gấp đôi so với trung bình theo mùa. Đồng thời lũ lụt đã gây thiệt hại kinh tế Trung Quốc gần 180 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD) vào tuần trước và 63 triệu người đã bị ảnh hưởng.