Kính thiên văn vũ trụ James Webb vừa phát hiện bằng chứng mới cho thấy có thể có nước chảy trên bề mặt của một hành tinh khổng lồ cách Trái Đất khoảng 120 năm ánh sáng.
Nghiên cứu bằng kính thiên văn trên vũ trụ James Webb phát hiện hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời K2-18b có thể có một số đặc tính quan trọng của một hành tinh có thể duy trì lượng lớn nước và sự sống.
Quay xung quanh gần sao lùn lạnh K2-18, hành tinh K2-18b nằm bên trong vùng có thể sinh sống, còn gọi là Goldilocks, và lớn gấp 8,6 lần Trái Đất.
Các quan sát của kính thiên văn cho thấy hành tinh này có quá nhiều khí methane và CO2 trong bầu khí quyển.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), sự hiện diện của các phân tử mang carbon này, cùng với sự thiếu ammonia (NH3), có thể cho thấy một bầu khí quyển giàu hydrogen bao quanh một thế giới đại dương.
Hành tinh K2-18b có bầu khí quyển giàu hydrogen. (Ảnh minh họa: NASA) |
Trước đây, kính thiên văn vũ trụ Hubble đã phát hiện bằng chứng hơi nước trong bầu khí quyển của hành tinh K2-18b.
Phát hiện này mô tả trong nghiên cứu tháng 9/2019, giúp các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu K2-18b.
Kính thiên văn James Webb cũng phát hiện một phân tử rất đặc biệt gọi là dimethyl sulfide (DMS) có thể hiện diện trên hành tinh K2-18b. Trên Trái Đất, dimethyl sulfide chỉ có thể được tạo ra bởi sự sống.
Nhà thiên văn học Nikku Madhusudhan, Giáo sư Vật lý Thiên văn Khoa học Hành tinh thuộc Đại học Cambridge nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm để xác nhận sự hiện diện của dimethyl sulfide.
Giáo sư Madhusudhan - tác giả chính của bài báo khoa học mới mô tả các phát hiện được chấp nhận cho công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letter, cho biết ngay cả nếu các nhà khoa học chứng thực sự hiện diện của hợp chất hóa học này, điều đó không đảm bảo các hình thái sự sống tồn tại ở đó, tuy nhiên bằng chứng khoa học này mở rộng hiểu biết của các nhà khoa học về các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời tương tự với K2-18b./.