Theo Science Alert, các nhà khoa học tại Công ty Carbios (Pháp) vừa tạo ra enzym vi khuẩn đột biến giúp phân hủy chai nhựa chỉ trong vài giờ.
Các chuyên gia đã nghiên cứu khoảng 100.000 vi sinh vật có khả năng phân hủy rác thải nhựa trong đó có một loài phân hủy lá cây được phát hiện năm 2012.
Sau khi tiến hành phân tích enzym và tạo đột biến nhằm tăng khả năng phân hủy chất polyethylene terephthalate (PET) chế tạo chai nhựa, các nhà khoa học phát hiện ra trong điều kiện nhiệt độ 72 độ C, enzym này có thể phân hủy 1 tấn rác thải chai nhựa đến 90% trong 10 giờ.
Enzym có thể tách chai nhựa PET thành vật liệu tổng hợp hóa học và làm cho chúng có thể tái sử dụng để tạo ra chai mới. Nhựa tái chế thường trải qua xử lý nhiệt cơ, không có chất lượng cao và chủ yếu được sử dụng trong các sản phẩm khác như quần áo và thảm.
Giáo sư Alain Marty tại Đại học Toulouse, trưởng bộ phận nghiên cứu khoa học tại Carbios, cho biết chi phí của enzym này chỉ bằng 4% so với chi phí chế tạo chai nhựa ban đầu. Công ty Carbios sẽ sản xuất quy mô công nghiệp trong vòng 5 năm tới và đang hợp tác với các "ông lớn" như Pepsi và L’Oreal để tăng tốc quá trình phát triển ứng dụng này.
Thực tế, rác thải nhựa hiện có mặt ở khắp nơi trên Trái đất. Nếu loại enzyme mới thành công ở quy mô công nghiệp, có thể giúp cắt giảm đáng kể lượng nhựa thải ra môi trường mỗi năm.